Yếu tố nào cần quan tâm sau sự thành công của XK rau quả Việt Nam?

Yếu tố nào cần quan tâm sau sự thành công của XK rau quả Việt Nam?

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, ngành rau quả xuất khẩu bứt phá trong quý I/2024 đạt 1,28 tỷ USD (tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2023). Đâu là yếu tố quan trọng đằng sau sự thành công của ngành xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam?

Bên cạnh tận dụng cơ hội để tăng tốc xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, mặt khác cũng cần đặt ra chuyện làm sao chăm lo cho nông dân giàu lên, sống khỏe hơn nhờ nông nghiệp.

Dư địa lớn

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu (XK) rau quả của Việt Nam đạt 1,28 tỷ USD (tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2023). Đây là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt và vượt hơn 1 tỷ USD ngay trong quý đầu tiên của năm.

Thống kê từ sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 3 vừa qua đạt 469,9 triệu USD, tăng 44,3% so với tháng 2, và tăng 13,2% so với tháng 3 năm ngoái.

Các thị trường tiêu thụ quan trọng là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… đều tăng trưởng tốt. Đặc biệt, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, ngành rau quả xuất khẩu bứt phá trong quý I/2024 là nhờ sự đóng góp rất lớn của sầu riêng trái vụ, khi các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Thái Lan đã tăng mua loại quả này trong thời gian gần đây.

Trong top 10 thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam (cập nhật đến hết tháng 2/2024), Thái Lan đã vươn lên vị trí thứ 4. Cụ thể, rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan đạt 28,6 triệu USD (tăng gần 126% so với cùng kỳ năm 2023), đưa thị phần của Thái Lan tăng từ 2% lên gần 4%.

Theo đó, hàng rau quả xuất khẩu tới các thị trường chính trong 3 tháng đầu năm nay đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. Dẫn đầu về giá trị xuất khẩu là thị trường Trung Quốc, đạt 759,4 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện thị trường Trung Quốc chiếm 59,1% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành rau quả.

Ngành rau quả xuất khẩu bứt phá trong quý I/2024 là nhờ sự đóng góp rất lớn của sầu riêng trái vụ.

Các chuyên gia dự báo, mặc dù sự kiện Biển Đỏ gây nhiều khó khăn cho mặt hàng rau quả Việt Nam khi xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, nhưng sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc và các khu vực lân cận tăng mạnh, nhất là đối với mặt hàng quả sầu riêng, dừa, thanh long, mít, chuối, xoài…

Dự kiến, thời gian tới, sẽ có thêm 4 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: Dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu. Kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam mới chiếm khoảng 2-3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả thế giới. Điều này đồng nghĩa với dư địa ngành hàng này còn rất lớn.

Ở hoạt động xuất khẩu nông sản đã qua chế biến, ông Nguyễn Lâm Viên, CEO của Công ty Cổ phần Vinamit cho biết, thị trường EU có xu hướng giảm, nhưng bù lại thị trường truyền thống của Vinamit là Trung Quốc, Mỹ… ở các mặt hàng trái cây tươi như mít trái, sầu riêng lại tăng.

“Một số thị trường khác cũng xuất hiện, bởi sau hai năm trở lại đây trái cây, nông sản rất nổi bật… kể cả gạo xuất rất mạnh. Tôi cho rằng thị trường trái cây năm 2024 sẽ khởi sắc nhiều, nhất là hàng chế biến thay vì xuất tươi. Những ngành hàng cấp đông trong đó cả đông lạnh hoặc đông khô chắc chắn có thêm nhiều đơn hàng hơn”, ông Nguyễn Lâm Viên cho biết.

Yếu tố đằng sau sự thành công của XK rau quả

Một trong những yếu tố quan trọng đằng sau sự thành công của ngành xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam chính là sự cải tiến trong năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhờ vào việc áp dụng các công nghệ hiện đại, quản lý chất lượng nghiêm ngặt và việc đào tạo nông dân về phương pháp canh tác hiệu quả, nông sản Việt Nam không chỉ đạt được tiêu chuẩn quốc tế mà còn tạo được lòng tin từ phía các thị trường tiêu thụ.

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu trái cây, đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói, nhằm kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu ngay từ khâu đầu vào, canh tác. Qua đó, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu.

Quản lý sản xuất và kiểm soát chất lượng hàng hóa là một phần không thể thiếu trong quá trình xuất khẩu. Các doanh nghiệp đã đặc biệt chú trọng vào việc đào tạo nông dân về các phương pháp canh tác an toàn và bảo vệ môi trường. Các cơ quan chức năng cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra và giám sát chất lượng hàng hóa từ giai đoạn sản xuất đến vận chuyển, đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm và vệ sinh công nghiệp.

Cùng với đó là tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững; tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp cùng hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Phát triển chuỗi giá trị nông sản; liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Hơn nữa, để tăng cường tính minh bạch và truy vết sản phẩm, các doanh nghiệp đã áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như ERP và hệ thống mã vạch. Đồng thời, việc hợp tác với các tổ chức quốc tế và các đối tác xuất khẩu là một phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Cây chanh leo giống được trồng tại Gia Lai. 

Đặc biệt, địa phương cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, các khu vực sơ chế, chế biến, bảo quản, các kho lạnh quy mô lớn.

Chú trọng liên kết sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản

Bên cạnh những thuận lợi, việc sản xuất, tiêu thụ rau quả vẫn gặp không ít khó khăn do diện tích trồng cây ăn quả ở một số địa phương còn phân tán, không tập trung. Điều này gây khó khăn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng nông sản. Để tháo gỡ khó khăn, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến nghị, các doanh nghiệp và người dân cần liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tại tỉnh Sơn La, năm 2024, địa phương này có 84.160ha cây ăn quả. Từ tháng 4 trở đi, các loại cây ăn quả sẽ thu hoạch tập trung với sản lượng lớn, như: mận khoảng 80.000 tấn; xoài khoảng 77.800 tấn; nhãn khoảng 81.000 tấn…

Để đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản, theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: Địa phương hiện đã có phương án hỗ trợ cho tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu nông sản, tiến tới tất cả các sản phẩm xuất khẩu đạt chính ngạch. Đồng thời, tỉnh xác định vùng trồng cho từng nhà máy chế biến, vùng trồng cho từng khu vực xuất khẩu và tiêu thụ ở thị trường trong nước, tránh tình trạng được mùa, mất giá khi vào vụ thu hoạch.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu rau quả 6,5 – 7 tỷ USD trong năm 2024, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, các địa phương cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sản xuất rải vụ thu hoạch; thiết lập mã số vùng trồng. Gắn phát triển vùng trồng với các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm theo lợi thế của từng địa phương; quan tâm xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa tại Việt Nam cho các loại rau quả chủ lực.

Đừng để nông sản Việt “một phút huy hoàng”

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh khốc liệt nhưng vẫn thấy được cơ hội, nông sản Việt trong đó có ngành rau quả cần “thừa thắng xông lên”, cần làm tốt việc xây dựng thương hiệu cho nông sản, gia tăng giá trị và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Đặc biệt, xây dựng thương hiệu nông sản xuất khẩu cần có chiến lược, có giải pháp căn cơ; làm sao để giá trị nông sản Việt luôn “thường trực” trong sự lựa chọn của người tiêu dùng quốc tế, chứ không phải “sốt hừng hực” hay thiếu nguồn cung mới tìm đến nông sản Việt Nam.

Gắn phát triển vùng trồng với các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm theo lợi thế của từng địa phương.

Cần ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; cần có những giải pháp hướng dẫn và hỗ trợ hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ các mặt hàng nông sản xuất khẩu; triển khai các chương trình quảng bá – marketing thương hiệu và sản phẩm của riêng mình; xây dựng thương hiệu sản phẩm đi liền với thương hiệu doanh nghiệp…

Bên cạnh tận dụng cơ hội để tăng tốc xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, mặt khác cũng cần đặt ra chuyện làm sao chăm lo cho nông dân giàu lên, sống khỏe hơn nhờ nông nghiệp. Khi nông dân thoát nghèo từ làm nông nghiệp, khi sản phẩm có thương hiệu rõ ràng, khi đó nông sản Việt Nam mới thực sự cất cánh./.

 

Thanh Tâm (T/H theo vnbusiness, baodantoc.vn, tuoitre.vn…)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0365222576