Thúc đẩy nông nhiệp tuần hoàn: Đồng bộ thể chế và hạ tầng dịch vụ
Chúng ta đã đi được 3/4 chặng đường năm 2023, dù phía trước còn rất nhiều khó khăn, nhất là tình hình kinh tế thế giới đang rất mong manh, khó dự báo, nhưng chúng ta tin rằng, với sự vào cuộc mạnh mẽ trên tinh thần “không nói khó mà không làm” của Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta sẽ về đích năm 2023 với kết quả tích cực nhất.
Nói vậy vì, trên cơ sở cả 3 trụ cột hỗ trợ tăng trưởng (đầu tư công và đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa) đều chuyển biến tích cực. Cụ thể là, với sự vào cuộc đồng bộ của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế rất rõ ràng, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, các cân đối lớn được đảm bảo…
Khu chăn nuôi lợn của Trang trại Trang Linh (Bà Rịa – Vũng Tàu) được thiết kế phòng lạnh, nửa chuồng xi măng, nửa chuồng được rải đệm lót sinh học giúp đàn lợn được ấm khi trời lạnh và mát khi trời nóng. Ảnh: Hoàng Nhị.
Trên cơ sở đó, nhiều định chế tài chính quốc tế chung nhận định, kinh tế Việt Nam dù tăng trưởng chưa đạt mục tiêu nhưng vẫn có tốc độ cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đà phục hồi sẽ mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trong bài viết ngắn này, tác giả chỉ bàn đến vấn đề tăng trưởng xuất khẩu nông sản sao cho bền vững hơn, mạnh mẽ hơn.
Trong nhiều năm qua, nhất là 3/4 chặng đường của năm 2023, dù thị trường nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ gặp khó do lạm phát cao, hàng tồn lớn, chi tiêu giảm nhưng xuất khẩu nông sản của ta vẫn đạt kết quả tích cực (9 tháng qua xuất khẩu ước đạt 38,48 tỉ USD; xuất siêu 8,04 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2022). Các mặt hàng gạo, rau quả, hạt điều, cà phê,… có sự tăng trưởng ấn tượng. Riêng mặt hàng sầu riêng, xuất khẩu 9 tháng đạt khoảng 1,2 tỷ USD, xác lập kỷ lục mới.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, tăng trưởng xuất khẩu nông sản có thể còn cao hơn nhiều nếu chúng ta sớm giải quyết những vấn đề nội tại của ngành như: sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ còn thấp, việc mở rộng thực hiện quy trình sản xuất, kinh doanh an toàn theo kinh tế xanh (Khi cả 3 yếu tố Kinh tế – Xã hội – Môi trường trong hoạt động kinh tế đạt trạng thái cân bằng), kinh tế tuần hoàn (Các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ nhằm mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Các hệ thống tuần hoàn áp dụng các quy trình tái sử dụng thông qua chu trình khép kín nhằm giảm đến mức tối thiểu số lượng tài nguyên sử dụng đầu vào và số lượng phế thải tạo ra, cũng như mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải), kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp (quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý). Thực tế ở nước ta, kinh tế tuần hoàn với mô hình kinh tế VAC đã có nhiều đóng góp cho kinh tế, xã hội và môi trường nhưng nhìn chung còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, mới ở dạng mô hình quy mô nhỏ.
Mới đây, Hội Làm vườn Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề Giải pháp ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa mục tiêu và liên kết chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả, phát triển mô hình kinh tế VAC bền vững.
Tại diễn đàn, các diễn giải nhấn mạnh, ba nội dung nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa mục tiêu và liên kết chuỗi giá trị có mối quan hệ biện chứng, bổ trợ nhau, là xu thế tất yếu để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa phát triển bền vững. Các diễn giải cũng đề cập đến căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học và mô hình thực tiễn. Cũng tại diễn đàn, nhiều câu hỏi được nêu lên, nhiều kiến nghị được đề cập, nhiều nút thắt được chỉ rõ…
Đại diện các chủ thể sản xuất theo mô hình tuần hoàn đa giá trị và thực hiện liên kết phát biểu tại diễn đàn đều nhấn mạnh đến việc giảm chi phí, không còn ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập, đặc biệt là, sản phẩm dễ dàng tiêu thụ với giá cao. Và cho rằng, quy trình sản xuất xanh, tuần hoàn là “tấm vé ưu tiên” giúp hàng hóa thuận lợi hơn trong mở rộng thị trường, cả xuất khẩu, bán được giá cao. Nhiều ý kiến nêu vấn đề, sản phẩm ngon, an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ đã tốt nhưng hiện giờ, nhiều quốc gia, những thị trường lớn, như EU, yêu cầu quá trình sản xuất còn phải tạo ít phát thải, ít rác thải.
Khu vực nuôi trùn quế bằng phân bò của Trang trại Nắng và Gió (Ninh Sơn, Ninh Thuận). Ảnh: Xuân Anh.
Trước yêu cầu đó của thị trường, việc mở rộng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là việc phải nhanh chóng mở rộng để vừa bán được hàng, vừa thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Cam kết giảm phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp cũng đã được khẳng định trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, được phê duyệt năm 2022. Tuy vậy, thực tế cho thấy, sự đồng bộ về thể chế, sự thống nhất trong hành động cho hỗ trợ kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tuần hoàn chưa thống nhất giữa các bộ ngành, địa phương. Vấn đề hạ tầng kỹ thuật để người sản xuất được tư vấn, được tiếp cận vật tư, giải pháp hữu ích phù hợp ở ta vẫn đang còn khoảng trống. Mong sự vào cuộc nhanh hơn, mạnh hơn của Nhà nước, doanh nghiệp để nông nghiệp tuần hoàn phát triển mạnh mẽ.