Nông sản tăng “nóng”: Mừng và lo
Thời gian qua, giá cả nhiều mặt hàng nông sản tăng cao, góp phần làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, mang lại niềm vui cho người sản xuất, nhưng còn đó những nỗi lo về quy hoạch, câu chuyện thị trường…
Giá cả nhiều mặt hàng nông sản tăng cao, góp phần làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, mang lại niềm vui cho người sản xuất.
Niềm vui của nông dân
Thời gian qua, giá cả nhiều mặt hàng nông sản tăng cao, góp phần làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, mang lại niềm vui cho người sản xuất. Nhưng chính điều này cũng đặt ra không ít nỗi lo về việc mở rộng diện tích sản xuất một số loại cây trồng một cách tự phát, thiếu bền vững và xảy ra hiện tượng tranh mua- tranh bán, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, đời sống của người dân.
Sau nhiều năm duy trì ở mức thấp, từ năm 2023 đến nay, giá cà phê không ngừng tăng. Từ đầu niên vụ tới nay, giá cà phê tăng khoảng 40.000 đồng/kg cà phê nhân, hiện tại đang ở ngưỡng khoảng 98.000 đồng/kg. Đây có thể nói là mức giá “trong mơ” đối với người trồng cà phê.
Mặc dù thời điểm này, hầu hết người trồng cà phê đã bán hết hàng, nhưng việc giá cả lên cao tạo động lực cho người nông dân gắn bó, đầu tư chăm sóc loại cây trồng này để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua đó, mở ra những hy vọng về tương lai tươi sáng của mặt hàng nông sản này.
Cùng với giá cà phê, giá sầu riêng cũng tăng cao, giúp nhiều gia đình có thêm nguồn thu nhập, thậm chí có những hợp tác xã, hộ nông dân đổi đời nhờ loại cây này.
Bên cạnh những loại cây dài ngày, thời gian gần đây, một số mặt hàng nông sản ngắn ngày như lúa gạo, chanh dây, mì cũng có giá bán tăng hơn những năm trước. Nhờ đó, người nông dân đạt được lợi nhuận cao hơn và yên tâm đầu tư sản xuất thâm canh.
Lẽ tất nhiên, giá cả hàng hóa nông sản tăng mang lại nhiều niềm vui cho người sản xuất, song sự tăng “nóng” này cũng kéo theo nhiều nỗi lo.
Đó là việc người dân chạy theo thị trường, đổ xô đi trồng các loại cây đang có giá trị kinh tế cao, dẫn đến phá vỡ quy hoạch, để rồi khi cung vượt quá cầu, giá cả xuống thấp lại rơi vào vào vòng luẩn quẩn “trồng- chặt”, “chặt- trồng”.
Thực tế này đã từng diễn ra với một số loại cây trồng như bơ, mít Thái… Có một thời gian, giá các loại trái cây này tăng cao, một số gia đình đã phá cà phê để chuyển sang trồng bơ, mít. Nhưng sau đó, giá cả của những loại cây trồng này lại tụt xuống thấp khiến người trồng chán nản. Vài năm trở lại đây, giá sầu riêng lên cao, nhiều người lại phá bỏ cây bơ, mít Thái để trồng sầu riêng.
“Tư duy ăn xổi”
Ngành Nông nghiệp và các ngành chức năng đang tỏ ra lo lắng trước việc người dân đổ xô trồng sầu riêng dẫn đến việc diện tích bị mở rộng một cách thiếu kiểm soát và trong tương lai sản lượng sầu riêng sẽ tăng cao, dễ dẫn đến “cung vượt cầu”. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Kon Tum chưa có nhà máy quy mô lớn chế biến sản phẩm sầu riêng, mà hầu hết sản phẩm là do thương lái thu mua tươi. Thế nên, nếu người dân tự phát mở rộng diện tích trồng cây sầu riêng sẽ dẫn đến nguy cơ gặp rủi ro về thị trường đầu ra cho sản phẩm sầu riêng.
Giá sầu riêng tăng cao, nông dân lãi hàng tỷ đồng.
Và, khi nông dân luôn tổ chức sản xuất các loại cây trồng theo kiểu “phong trào”, chạy theo biến động của giá cả thị trường, mà chưa có sự tìm hiểu một cách toàn diện, kỹ lưỡng, trước khi chuyển đổi sản xuất từ loại cây trồng này, sang loại cây trồng khác, thì câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa” luôn tiếp diễn, khó có hồi kết.
Bên cạnh đó, một số hộ nông dân còn tổ chức đầu tư sản xuất, chăm sóc cây trồng một cách tùy tiện với “tư duy ăn xổi”. Khi thấy hàng hóa nông sản được giá thì họ lại sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật một cách “vô tội vạ”, không tuân thủ theo hướng dẫn của ngành chức năng, nhằm mục đích gia tăng năng suất, sản lượng, nhưng không hề quan tâm đến vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tình trạng tranh thủ thời cơ giá cao thu hái quả xanh, không đảm bảo tiêu chuẩn để bán ra nằm thu lợi nhiều hơn. Mặt khác, thời gian qua, hiện tượng tranh mua, tranh bán, phá vỡ hợp đồng cũng diễn ra phổ biến khi các mặt hàng nông sản có giá cao. Những điều này vô hình trung làm ảnh hưởng uy tín, thương hiệu nông sản, làm mất lòng tin của đối tác, người tiêu dùng.
Nông sản nói chung, đặc biệt là cà phê, sầu riêng là những mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị. Việc giá cả các mặt hàng nông sản này lên cao là tín hiệu tốt cho người sản xuất và sự phát triển của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng khuyến cáo nông dân cần hết sức tỉnh táo trước khi đưa ra quyết định chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích một số loại cây trồng nhằm tránh việc “chạy theo” giá thị trường, phá vỡ quy hoạch. Bởi, điều này sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nông dân.
Do đó, thay vì thi nhau mở rộng diện tích một số loại cây trồng khi giá cả thị trường tăng cao, người dân nên chú trọng đầu tư canh tác theo hướng an toàn, hữu cơ để tạo ra những sản phẩm sạch, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, cho lợi nhuận cao hơn. Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất nhằm đảm bảo sự ổn định, giảm thiểu rủi ro khi có biến động về giá cả.
Doanh nghiệp đối mặt nhiều rủi ro
Ngành hàng cà phê với mức giá trong nước hiện đang tăng mạnh trở lại, vượt mốc 103.000 đồng/kg. Với mức giá quá cao như vậy đã ảnh hưởng đến các DN chế biến cà phê XK. Bởi vì, do giá leo thang nên họ không thể mua dự trữ. Và trong trường hợp nhập khẩu được, DN chỉ dám mua số lượng nhỏ giọt để chế biến và giao cho các khách hàng đã ký kết hợp đồng trước đó.
Một chủ DN chế biến cà phê Robusta cho biết công ty đã ký đơn hàng với các khách hàng Mỹ, Hàn Quốc với cam kết giao hàng trong quý I/2024 nhưng hiện tại gần như không mua được nguyên liệu hoặc phải mua với giá cao gấp 3 – 4 lần so với giá trước đó. Do đó, nếu càng xuất nhiều, DN càng lỗ nhiều và thậm chí không dám ký đơn hàng mới vì rất khó để đàm phán theo giá tăng.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở ngành hồ tiêu. Giá hồ tiêu đang duy trì ở mức cao, trong khoảng 92.500 – 94.000 đồng/kg. Tháng 4/2024 là thời điểm kết thúc vụ thu hoạch nhưng nguồn cung lại đang thiếu, trong bối cảnh sản lượng năm nay thấp và giá nguyên liệu cao nên nhiều DN đang phải tăng cường nhập khẩu hồ tiêu, trong đó có nhập khẩu từ quốc gia láng giềng là Campuchia.
Tính đến hết tháng 3/2024, Việt Nam đã nhập khẩu 7.988 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 7.663 tấn, tiêu trắng đạt 325 tấn, so với cùng kỳ năm 2023 lượng nhập khẩu tăng 2,2%.
Hoặc như ở lĩnh vực chế biến tôm XK. Tình hình tôm nguyên liệu được dự đoán có thể tiếp tục tăng giá do thiếu hụt vì tình hình nuôi gặp khó khăn. Điều này khiến ác DN tôm gặp khó vì giá thành tôm cao, khó cạnh tranh trên thị trường XK. Do đó, để tìm đường cứu mình thì DN cũng tìm cách nhập tôm nguyên liệu giá rẻ từ các nước để chế biến, duy trì hoạt động, giữ chân người lao động.
Tự chủ nguồn nguyên liệu trong nước
Nhìn vào việc DN chế biến nông sản XK đang phải “nai lưng” với nhập khẩu nguyên liệu để thấy đó là cả khúc quanh cam go đối với họ. Đặc biệt là đối mặt rủi ro tỷ giá USD tăng cao sẽ càng làm tăng giá nguyên liệu. Khi nhập hàng về, DN phải mất thời gian chế biến, rồi phải có đơn hàng XK ngay để giảm thiểu tình cảnh nhập giá cao nhưng lại bán giá thấp dẫn đến thua lỗ.
Hạt điều sau khi đưa vào chế biến thì hạt dùng làm thực phẩm, vỏ được ép dầu và làm chất đốt phục vụ tái sản xuất. Công nghệ tuần hoàn này đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế.
Có thể thấy trong chuyện giá nguyên liệu tăng thì chi phí sản xuất tăng là lẽ đương nhiên. Các DN chế biến nông sản cũng nên tham khảo thêm về xu hướng về báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến trong dự báo quý 2/2024 của Tổng cục Thống kê. Theo đó, có 90,8% DN dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (22,8% tăng, 68,0% giữ nguyên), 9,2% DN dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm giảm.
Ngoài ra, nhận định về giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý 2/2024 so với quý 1/2024, có 91,6% DN dự báo tăng và giữ nguyên (17,4% tăng, 74,2% giữ nguyên), 8,4% DN dự báo giảm.
Chính vì vậy, điều mà các DN chế biến nông sản cần làm trong thời gian tới là nên tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường giá nguyên liệu đầu vào và giá đầu ra để cân đối nguồn hàng và đưa ra chiến lược mua – bán hợp lý hơn.
Chẳng hạn với các DN ngành điều. Trước việc tăng giá nguyên liệu như vậy, để ứng phó, nhiều DN sẽ phải tính toán, cân nhắc khi nhập khẩu điều thô, cân đối giá nguyên liệu và giá điều nhân. Họ cũng tìm cách cơ cấu giảm sản xuất, có động tác giảm mua để ép giá điều thô nhập khẩu, cũng như tăng giá điều nhân để đảm bảo có lợi nhuận.
Giới chuyên gia có lời khuyên cho các DN chế biến nông sản mà đang sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu là cần thường xuyên chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để từ đó kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu. Đặc biệt là lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho DN mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD.
Mặt khác, các cơ quan quản lý nên tạo cơ hội để các DN chế biến nông sản được giao lưu, tìm hiểu nhằm mục đích tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên liệu trong nước hoặc ở một số quốc gia với mức giá hợp lý hơn. Hơn nữa, nên có các chính sách nhằm ổn định giá cả và nguồn cung cấp nguyên liệu cho các DN.
Trong chuyện này cũng nên thấy rõ tầm quan trọng của việc tự chủ nguồn nguyên liệu trong nước bằng cách xây dựng chuỗi giá trị nông sản an toàn, bền vững hơn. Để từ đó người nông dân và DN đều cùng hưởng lợi dù cho giá cả nguyên liệu có tăng cao. Còn một khi chuỗi liên kết lỏng lẻo, buộc phải nhập khẩu nguyên liệu từ bên ngoài thì “khúc quanh” đầy cam go này sẽ còn tiếp diễn./.