Nông dân livestream bán hàng – chìa khóa vươn ra thị trường thế giới
Chỉ với một chiếc điện thoại di động có kết nối internet, nhiều nông dân đã tổ chức các buổi livestream bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội, thu hút hàng trăm ngàn người xem và “chốt đơn” liên tục. Đáng chú ý, trong năm qua, ngành thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng thuộc top đầu thế giới, dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Cùng nông dân livestream bán hàng
Khi ánh nắng cuối cùng của ngày vừa tắt, nhóm nông dân trên địa bàn ấp Hưng Mỹ Tây, xã Long Hưng A (Lấp Vò – Đồng Tháp) cùng đến nơi “tập kết” ở Tổ hợp tác hoa kiểng xã Long Hưng A. Người bày trí chậu kiểng, người chỉnh ánh sáng, kiểm tra trang thiết bị điện tử v.v. để chuẩn bị cho buổi livestream bán hàng. “Tổ hợp tác hoa kiểng xã Long Hưng A hiện có 11 thành viên, được thành lập tháng 7/2023. Tất cả các thành viên đều là nông dân trồng hoa, kiểng với mong muốn hợp tác, mở rộng kênh phân phối qua thương mại điện tử thay vì chỉ bán cho thương lái như trước”, anh Hồ Văn Út Hiền – Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa kiểng xã Long Hưng A chia sẻ.
Sau chưa đầy 05 phút giới thiệu, cây hoa giấy hồng gân đã được “chốt đơn” với giá 650 ngàn đồng, miễn phí giao hàng
Sau khi chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, đúng 18 giờ 30 phút, facebook Tổ hợp tác hoa kiểng xã Long Hưng A mở phiên livestream đầu tiên trong ngày. Mở màn phiên livestream, anh Hiền giới thiệu cây hoa giấy hồng gân, cây cao gần 50 cm, tán nở rực hoa 02 màu tím và trắng, rất đẹp, giá 650 ngàn đồng freeship (miễn phí giao hàng). Sau chưa đầy 05 phút giới thiệu đã có khách chốt đơn cây hoa giấy này.
Ngay lập tức, anh Nguyễn Thái Hòa vội bê cây hoa giấy tím tuyết khỏi phiên livestream và thay thế bằng cây hoa kiểng khác. Đồng thời, anh Lê Ngọc Duy cũng ghi chú lại thông tin đặt hàng, gọi điện xác nhận lại và lên đơn, giao đơn vị vận chuyển đưa đến tay khách hàng.
Sau khi livestream trên nền tảng Facebook, Tổ hợp tác hoa kiểng xã Long Hưng A tiếp tục livestream trên nền tảng Tiktok, chốt thêm 20 đơn hàng.
Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, Tổ hợp tác hoa kiểng xã Long Hưng A tiếp tục livestream trên nền tảng Tiktok. “Thường giờ này livestream trên Tiktok sẽ có nhiều người xem, đặt hàng hơn”, anh Hiền lý giải. Mặc dù nông dân, chưa từng được qua trường lớp đào tạo nào về thương mại điện tử, thế nhưng với tinh thần vừa làm vừa học hỏi, sau gần 06 tháng livestream, các thành viên đã bắt nhịp được với việc “chốt đơn” qua màn hình điện thoại. Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ trong một đêm, nhóm đã chốt được khoảng 30 đơn hàng, lợi nhuận trung bình khoảng 6 triệu/đêm livestream, sau khi trừ hết các chi phí.
Tận dụng mạng xã hội mở rộng thị trường
Bên cạnh livestream, nhóm nông dân Tổ hợp tác hoa kiểng xã Long Hưng A cũng thường xuyên tranh thủ quay lại cảnh chăm sóc hoa, kiểng; đăng tải những thế cây độc đáo; hướng dẫn ghép cây, phương pháp trồng v.v. lên các trang mạng xã hội để nhiều người biết hơn. Vì vậy, ngoài “chốt đơn” trên các phiên livestream, việc đăng bài trên mạng xã hội giúp người dân mở rộng thị trường, thu hút nhiều khách sỉ và lẻ từ nhiều địa phương trên cả nước.
“Việc mở rộng đa dạng các kênh thương mại điện tử không chỉ giúp mình mở rộng thị trường mà còn giúp anh em nông dân tự tin hơn, không còn thụ động chờ đợi thương lái đến thu mua như trước. Khi tự tin, chúng tôi cũng có thêm động lực, thêm đam mê để sản xuất đa dạng chủng loại, kiểu dáng hoa, kiểng phục vụ khách hàng”, anh Hiền bày tỏ.
Mỗi người một việc, giờ đây các nông dân đã thuần thục với việc bán hàng qua mạng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay nhiều người dân nông thôn bắt đầu tiếp cận thị trường thông qua mạng xã hội. Thời gian đầu, người dân còn e ại nhiều vấn đề như: tuổi cao, không am hiểu công nghệ, ngại thay đổi v.v. nhưng sau khi tiếp cận, thấy hiệu quả từ thương mại điện tử mang lại đã chủ động thay đổi tư duy, đổi mới cách làm, mang đến nhiều hiệu ứng tích cực. “Mặc dù biết phụ thuộc vào thương lái rất bấp bênh nhưng hai vợ chồng tôi tuổi cao cũng ngại thay đổi. Nhờ địa phương vận động, các cán bộ trẻ hỗ trợ, giúp đỡ và hướng dẫn livestream bán hoa, kiểng giúp tôi có thêm đầu ra”, ông Lê Thành Sơn (ngụ phường An Hòa, thành phố Sa Đéc) vui vẻ nói.
Hộ trồng hoa, kiểng của ông Lê Thành Sơn là một trong sáu hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia phiên livestream bán hàng tại hội nghị kết nối giao thương các sản phẩm hoa – kiểng, trong khuôn khổ Festival Hoa – Kiểng Sa Đéc, lần thứ I vừa diễn ra. Tại hội nghị cũng ra mắt website thương mại điện tử (hoasadec.vn) nhằm cung cấp thông tin và giao dịch thương mại ngành hàng hoa kiểng Đồng Tháp.
Hiệu quả của nền tảng thương mại điện tử
Việc tận dụng các nền tảng thương mại điện tử sẽ là một trong những giải pháp nâng cao doanh số, tối ưu lợi nhuận của các công ty, doanh nghiệp. Bên cạnh mời các KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng), KOLs (người có sức ảnh hưởng, người nổi tiếng) để livestream thì nhiều doanh nghiệp dùng các trợ lý ảo (AI) livestream bán hàng nhằm giảm tối đa chi phí. Đối với thị trường Việt Nam, hình thức livestream bán hàng với các mặt hàng như: thời trang, ăn uống, đồ gia dụng v.v. thu hút rất đông đảo lượt xem, bình luận và đặt hàng bởi sự tiện lợi và giá thành rẻ.
Buổi livestream bán hoa, kiểng trong khuôn khổ Hội nghị kết nối giao thương các sản phẩm hoa – kiểng, chiều ngày 31/12/2023
Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong năm 2023, ngành thương mại điện tử trong nước tăng trưởng 25%, thuộc top đầu thế giới. Đáng chú ý, hình thức livestream bán hàng trên các sàn thương mại điện tử đã bùng nổ doanh số trong năm qua. Theo số liệu của Metric (Nền tảng Số liệu Thương mại Điện tử dành cho Doanh nghiệp, Thương hiệu và Nhà bán), mô hình kinh doanh giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng năm 2023 trên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktokshop v.v.) đăng ký tại Việt Nam đạt gần 499 ngàn tỷ đồng. Kinh doanh thương mại điện tử đặc biệt tăng mạnh ở 02 quý cuối năm.
Qua khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho thấy có khoảng 78% người dùng internet tham gia mua sắm thông qua thương mại điện tử. Theo kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia, mục tiêu đến năm 2026, Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa bán lẻ trực tuyến đạt 56 tỷ USD. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho những công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh muốn đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng và mở rộng thị trường ngày càng lớn mạnh hơn.