Nhiều nông hộ, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang tập trung ưu tiên đầu tư khoa học – công nghệ, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp nhằm mang lại “lợi ích kép” trong khâu tiêu thụ và tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác.
Anh Nguyễn Đình Trí (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) chăm sóc vườn nho ngón tay đen không hạt NH04-102.
Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả
Nhiều nông hộ tại Ninh Thuận đang đẩy mạnh áp dụng mô hình trồng các giống mới ngón tay đen không hạt NH04-102, nho hồng NH01-152 trong nhà màng. Mô hình do Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) chuyển giao kỹ thuật để giảm thiểu những yếu tố bất lợi của thời tiết, nâng cao chất lượng sản phẩm nho ăn tươi cung cấp cho thị trường.
Anh Nguyễn Đình Trí (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) cho biết, gia đình trồng 2 sào (2.000 m2) nho ngón tay đen không hạt NH04-102, nhờ chăm sóc tốt vừa qua vườn nho cho thu hoạch với năng suất đạt trên 1,2 tấn quả/sào, giá bán bình quân tại vườn 220.000 đồng/kg, cho lợi nhuận kinh tế cao gấp 2 – 4 lần so với các giống nho truyền thống.
“Các giống nho ngón tay đen không hạt NH04-102, nho hồng NH01-152 có nhiều ưu điểm vượt trội về màu sắc, quả to, ăn giòn, chắc thịt và ngọt thơm nên rất hút hàng. Gia đình đang lên kế hoạch trồng các giống nho ngón tay đen không hạt NH04-102, nho hồng NH01-152 và nho Mẫu đơn với tổng diện tích 8 sào (8.000 m2), kết hợp xây dựng mô hình du lịch sinh thái tham quan vườn nho để phát triển kinh tế”, anh Trí chia sẻ.
Tương tự, để nâng cao hiệu quả sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu, anh Nguyễn Minh Phi (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) đã quyết định đầu tư 500 triệu đồng xây dựng mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng. Mô hình này có nhiều ưu điểm như có thể can thiệp, loại bỏ được các chất gây hại cho cây, không phải thực hiện một số khâu làm đất, làm cỏ, vun xới và tưới nước như trồng rau truyền thống. Bên cạnh đó, rau thủy canh được sản xuất trong môi trường khép kín, tránh được các ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài và côn trùng nên hạn chế tối đa các bệnh nấm, sâu bệnh nên không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện tại, vườn rau thủy canh rộng 0,5 sào (500 m2) của anh Phi chủ yếu là trồng loại rau ăn lá như xà lách, cải bó xôi, cải ngọt, hành lá,… Để có rau sạch bán hằng ngày, anh Phi áp dụng phương pháp trồng gối vụ nên sản lượng luôn bảo đảm nối tiếp nhau, kịp thời cung ứng cho thị trường. Mỗi ngày anh Phi thu hoạch và xuất ra thị trường từ 30 – 40 kg rau các loại với giá bán từ 30 – 45 nghìn đồng/kg; mỗi tháng sau khi trừ chi phí anh thu lãi khoảng 10 triệu đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua tỉnh đã tập trung xây dựng, chuyển giao và nhân rộng nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh đã có 31 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động gồm 18 dự án trồng trọt, 03 dự án chăn nuôi, 08 dự án thủy sản, 02 dự án chế biến nông sản. Đồng thời, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ với tổng diện tích hơn 4.903ha trên các loại cây trồng lúa, nho, táo, hành, tỏi, măng tây xanh, nha đam, điều và một số loại cây ăn quả khác.
Nhằm thích ứng với khí hậu khô nóng, các địa phương cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên diện tích hơn 14.297 ha; nhân rộng mô hình kỹ thuật bao lưới vườn táo với diện tích trên 797 ha; áp dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng trong các mô hình trồng nho, lan, dưa lưới; xây dựng 35 cánh đồng lớn với diện tích trên 4.719 ha các loại cây trồng như lúa, bắp giống, măng tây xanh, hành tím, nha đam, nho. Qua đó, góp phần tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương pháp canh tác nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất tập trung gắn với áp dụng kỹ thuật tiên tiến trên diện rộng.
Tập trung các nguồn lực hỗ trợ
Giống nho Syrah dùng để sản xuất rượu vang nổi tiếng của Ninh Thuận.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, Ninh Thuận đang tập trung xây dựng, hình thành và phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ để làm hạt nhân thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại hóa.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị ngành nông nghiệp đạt từ 3 – 4%/năm; trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt từ 30 – 40%/năm. Đến năm 2025, Ninh Thuận phấn đấu có từ 3 – 5 vùng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích sản xuất đạt 1.000 ha, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 700 triệu đồng/ha.
Để đạt các mục tiêu đề ra, Ninh Thuận đang đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp như: tạo điều kiện thông thoáng về cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp quy mô lớn; đẩy mạnh thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết, coi doanh nghiệp là trọng tâm, các hợp tác xã là cầu nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết giữa 4 nhà: nhà nông, nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học.
Theo đó, tỉnh tăng cường sự hợp tác với các Viện nghiên cứu, Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, phối hợp phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ, tư vấn, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học; hợp tác phát triển du lịch trải nghiệm; quảng bá nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sinh thái; hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, trong năm 2023 tỉnh dành gần 7 tỷ đồng hỗ trợ 10 dự án tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cùng đó, tỉnh cũng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp và mở rộng hình thức cho vay tín chấp để tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; ưu tiên mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận tăng cường huy động các nguồn lực từ Trung ương, địa phương triển khai các chương trình khuyến công, khuyến nông hỗ trợ máy móc, trang thiết bị cho các cơ sở sản xuất phát triển ngành nghề chế biến, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các đơn vị chức năng tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng, đăng ký, bảo hộ và phát triển các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu OCOP liên quan đến các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của địa phương.
Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng các giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các sàn giao dịch thương mại điện tử. Tỉnh Ninh Thuận cũng ưu tiên sử dụng các nguồn lực để thực hiện nhanh chuyển đổi số, từng bước đưa nông nghiệp công nghệ cao trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương.