Kiến tạo hệ sinh thái đi cùng nhau để khai thác ý tưởng từ cuộc sống

Hơn ba chục năm trước, khi Hội Làm vườn Việt Nam – VACVINA ra đời (Đại hội thành lập ngày 13/1/1986), nhiều người lúc đó cho rằng, đó là hội của những người “về vườn”, hội của những ông già!

Ngày đó, còn là phóng viên, tôi nhiều lần được tháp tùng Chủ tịch Trung ương Hội Nguyễn Ngọc Trìu, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn) đi cơ sở, làm việc với lãnh đạo các địa phương nhằm vận động phát triển tổ chức Hội, tạo cơ sở thúc đẩy kinh tế VAC. Ở đâu, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Trìu cũng trao đổi chuyện “về vườn”. Ông nói: Nói hội của những người về vườn là không đúng vì “về vườn” có nghĩa là bị kỷ luật, không được làm nhiệm vụ nữa hoặc trước đây, thời phong kiến, những người không được vua trọng dụng, xin từ quan. Còn cán bộ Hội Làm vườn là những người đã hoàn thành nhiệm vụ, đến tuổi được nghỉ chế độ (hưu trí) nhưng còn sức khỏe, có kiến thức, có kinh nghiệm, nhiệt tình với công việc, muốn đóng góp tri thức với mong muốn giúp nhân dân phát triển phong trào kinh tế VAC – kinh tế vườn, mô hình kinh tế có tiềm năng lớn, đã làm là có kết quả, giúp cải thiện đầu tiên là bữa ăn, sau là tăng thu nhập cho gia đình và góp phần xây dựng nông thôn giàu đẹp… Cứ thế, số cán bộ nông – lâm nghiệp và thủy sản ở các địa phương tham gia Hội ngày một nhiều, lãnh đạo các địa phương thấy lợi ích của Hội và kinh tế VAC đã ủng hộ nhiệt tình, coi là nhiệm vụ của địa phương. Từ đó, tổ chức Hội VACVINA ngày càng lớn mạnh cả trên diện rộng và chiều sâu, kinh tế VAC đóng góp ngày càng cao cho kinh tế gia đình, kinh tế địa phương. Hội thực sự là cánh tay nối dài của ngành nông nghiệp và kinh tế VAC – kinh tế vườn trở thành lĩnh vực trọng yếu của ngành nông nghiệp, một mũi đột phá trong nâng cao đời sống cư dân nông thôn, làm đẹp cảnh quan và làm giàu cho nông thôn.

Nói lại chuyện cũ để thấy, muốn nhiều người đi cùng mình thì phải tuyên truyền sâu, rộng đến mọi tầng lớp cán bộ, nhân dân. Qua đó hiểu các địa phương, người dân cần gì và trên hết, qua đó tìm ra những cách làm mới sáng tạo trong cuộc sống để nhân rộng.

Tiếp sau Hội Làm vườn Việt Nam, nhiều tổ chức hội nghề nghiệp khác lần lượt ra đời. Tất cả đều chung mục đích góp phần phát triển đất nước giàu hơn, mạnh hơn dù lĩnh vực hoạt động có khác nhau.

Theo báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước 71 tổ chức hội.

Nhằm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao. Phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm”, ngày 18 tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và lãnh đạo nhiều đơn vị của Bộ đã có buổi làm việc với Hội Làm vườn Việt Nam, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Khoa học kinh tế Nông nghiệp – Phát triển nông thôn.

Anh Ma Reng ở thôn Ka Đô Cũ, xã Ka Đô (Đơn Dương – Lâm Đồng) là một nông dân sản xuất giỏi, người cán bộ mặt trận tiêu biểu và là người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trên đây là một số hình ảnh về vô hình VAC của gia đình anh. Văn Mạnh

 

Sau khi nghe lãnh đạo các tổ chức hội và đại diện các cục, vụ của Bộ báo cáo tình hình hoạt động, sự hợp tác trên các lĩnh vực và những khó khăn trong sự gắn kết hoạt động giữa các hội với Bộ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Người khó là người đi một mình. Có nhiều người đi cùng thì sẽ khá. Bởi vậy, Bộ cần hình thành Hệ sinh thái của những người đi cùng nhau (Bộ và các tổ chức hội nghề nghiệp cùng chung nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn giàu đẹp, tiến bộ, văn minh – Người viết).

Tiếp đó, ông nêu khái niệm Think Tank (nơi chứa những ý tưởng, những sáng kiến xã hội). Ông cho rằng các tổ chức hội với những cán bộ nòng cốt hầu hết là cán bộ cấp cao cũ của Bộ. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều kinh nghiệm, có thực tiễn, nhiều ý tưởng, phải tận dụng cho được.

Trên cơ sở đó, ông yêu cầu các đơn vị của Bộ cần chủ động tạo lập hệ sinh thái với hệ thống hội do Bộ quản lý nhà nước. Ông nhấn mạnh, các hội này cùng với Bộ là một hệ sinh thái. Các hội chính là nơi chứa nhiều ý tưởng, Bộ cần khai thác để cùng nhau chúng ta hoàn thành nhiệm vụ. Sự tương tác trong hệ sinh thái trong thời công nghiệp 4.0 là sự tương tác liên tục qua công nghệ thông tin chứ không phải mỗi năm gặp nhau 1 lần. Ông lưu ý, không có việc nào nhỏ. Hiện thế giới đặc biệt quan tâm đến kinh tế hộ nông dân.

Khi tổ chức và vận hành tốt hệ sinh thái này, chúng ta vừa thực hiện giảm biên chế theo nghị quyết Đảng mà vẫn thực hiện được nhiệm vụ lớn của xã hội là xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh.

 

Hiền Anh
Theo báo kinhtenongthon.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0365222576