EUDR & cơ hội với ngành cà phê Góc nhìn từ thủ phủ Đắk Lắk: Cơ hội nhiều hơn thách thức

Diện tích cà phê tại Đắk Lắk và Đắk Nông được trồng ổn định lâu nay, dự luật EUDR sẽ là thách thức nhưng cũng là cơ hội để ngành hàng này phát triển.

Đắk Lắk và Đắk Nông là những địa phương có diện tích cà phê lớn nhất cả nước. Cơ quan chức năng tại 2 tỉnh Tây Nguyên cùng nhận định Quy định chống phá rừng Châu Âu (EUDR) là thách thức nhưng cũng là cơ hội, động lực để ngành cà phê của địa phương phát triển.

Đắk Lắk không lo, Đắk Nông có thể còn vướng

EUDR yêu cầu các nhà nhập khẩu và đối tác chuỗi cung ứng của họ chứng minh sản phẩm của họ không liên quan đến phá rừng hay suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020. Cụ thể, EUDR đòi hỏi 100% sản phẩm cà phê vào châu Âu phải có tọa độ/polygon GPS của từng vườn sản xuất. Dựa trên các công cụ giám sát, nếu phát hiện có tình trạng mất/suy thoái rừng, thì lô hàng đó sẽ phải đối mặt với việc thu hồi, hoàn trả.

Đắk Lắk hiện là thủ phủ cà phê của Việt Nam với 213.336ha, sản lượng đạt trên 526.700 tấn/năm. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của Đắk Lắk, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh. Tuy nhiên, ngành cà phê của Đắk Lắk đối mặt với nhiều thách thức từ các yêu cầu thị trường khi quy định của các nước nhập khẩu ngày càng tăng.

Hiện nay cà phê là một trong những sản phẩm chủ lực, mang lại thu nhập cho người dân tại Đắk Lắk và Đắk Nông. Ảnh: Quang Yên.

Hiện nay cà phê là một trong những sản phẩm chủ lực, mang lại thu nhập cho người dân tại Đắk Lắk và Đắk Nông. Ảnh: Quang Yên.

Để đáp ứng các yêu cầu theo xu thế phát triển của toàn cầu, từ năm 2002, Đắk Lắk đã thực hiện các chương trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận (4C, UTZ, RFA, FLO) và gần đây là cà phê hữu cơ.

Đặc biệt, Đắk Lắk có 12 đơn vị được chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” đối với cà phê nhân (tổng diện tích 20.326ha, sản lượng đăng ký 39.890 tấn/năm) và 7 đơn vị được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” đối với cà phê rang xay (193 tấn cà phê hạt rang, 125 tấn cà phê bột, 2.000 tấn cà phê hòa tan nguyên chất). Đây cũng là chỉ dẫn địa lý cà phê đầu tiên được bảo hộ tại Việt Nam và bảo hộ quốc tế tại 32 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, việc triển khai các chương trình, đề án để phát triển cà phê bền vững đã góp phần quan trọng trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của những quốc gia nhập khẩu. Đặc biệt, việc này giúp ngành cà phê của Đắk Lắk được phát triển bền vững.

Còn theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, hiện nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn (gần 38%) trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong đó, cà phê chiếm diện tích gần 138.000ha, sản lượng gần 350.000 tấn/vụ. Mặc dù vậy, không ít diện tích cà phê của Đắk Nông có nguồn gốc canh tác trên đất của lâm nghiệp trước đây. Nhiều khu vực người dân đã canh tác từ lâu, nhưng vẫn nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp.

Các diện tích này không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là những nguy cơ khiến cho nhiều sản lượng nông sản của Đắk Nông không thể vào được châu Âu.

EUDR là thách thức nhưng cũng là cơ hội để phát triển ngành cà phê. Ảnh: Quang Yên.

EUDR là thách thức nhưng cũng là cơ hội để phát triển ngành cà phê. Ảnh: Quang Yên.

Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái cho biết, dự luật EUDR đối với các quốc giá khác có thể là thách thức vì những diện tích cà phê chồng lấn đất rừng khi điều tra có thể bị rủi ro. Ở Việt Nam nói chung, Đắk Lắk, Đắk Nông nói riêng, các khu vực quy hoạch trồng cà phê ổn định từ lâu, hầu như không có diện tích mới.

Do đó, EUDR sẽ là cơ hội để phát triển ngành cà phê một cách bền vững, nâng cao chất lượng và tăng sản phẩm chế biến sâu.

“Các doanh nghiệp đã tính toán, chủ động ứng phó nhanh, chú trọng cập nhật thông tin về thị trường xuất khẩu một cách hiệu quả. Hiện nay, cơ quan chức năng cũng cần có cam kết và thực hiện các giải pháp để bảo đảm khi có biến động thị trường cà phê thì cũng không vi phạm quy định của EU.

Ngoài ra, công tác truyền thông phải tốt ở tất cả các kênh thông tin, nhất là hoạt động đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt, tuyên truyền để cảnh báo cho người dân nếu vi phạm sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê của địa phương nói riêng cũng như Việt Nam nói chung”, ông Lợi nói.

Chủ động giải pháp

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk đánh giá, EUDR nhằm giảm thiểu rủi ro các sản phẩm trong chuỗi cung ứng liên quan đến rừng được nhập khẩu vào EU, hoặc xuất khẩu từ EU.

Về cơ bản, EUDR không tác động nhiều đến cà phê của Đắk Lắk cũng như Việt Nam, bởi EU lấy mốc thời gian từ năm 2020 trở lại đây, trong khi cà phê của Đắk Lắk đã phát triển ổn định từ mấy chục năm nay. Đồng thời, EUDR cũng phù hợp với các chính sách bảo vệ rừng và phát triển cà phê của Việt Nam.

Các địa phương đang xây dựng phương án để thích ứng với dự luật EUDR, trong đó tuyên truyền cho doanh nghiệp, người dân về lợi ích cũng như thách thức của dự luật. Ảnh: Quang Yên.

Các địa phương đang xây dựng phương án để thích ứng với dự luật EUDR, trong đó tuyên truyền cho doanh nghiệp, người dân về lợi ích cũng như thách thức của dự luật. Ảnh: Quang Yên.

“Địa phương sẽ bám sát các nội dung trong luật để xin ý kiến Bộ NN-PTNT nhằm có một chủ trương thống nhất để Đắk Lắk có sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc này

Trên cơ sở này, Đắk Lắk cũng sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng sản xuất để chuẩn bị các chứng nhận cho những vùng đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu mới của EU, để khi EUDR có hiệu lực thì Đắk Lắk đã sẵn sàng về mặt thủ tục cho các sản phẩm xuất khẩu. Đây cũng là những cảnh báo để ngăn ngừa tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất hay sử dụng đất có nguồn gốc từ phá rừng”, ông Dương thông tin.

Còn ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, EUDR có thời gian chuẩn bị cho các bên liên quan là 18 tháng.

Theo ông Tuấn Anh, để chủ động đưa ra các giải pháp khả thi hỗ trợ ngành cà phê và các vùng sản xuất chính đáp ứng được yêu cầu EUDR, Sở NN-PTNT đang phối hợp với Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Việt Nam (IDH) hoàn thiện kế hoạch triển khai thí điểm trong toàn tỉnh. Địa phương cũng hỗ trợ doanh nghiệp, người nông dân tiếp cận các thông tin, quy định mới của EU nhằm tạo một hành lang pháp lý thuận lợi cho xuất khẩu giữ vững thị trường, tránh vi phạm trong tương lai.

Hiện Sở NN-PTNT đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng nhằm kịp thời kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý các vụ phá rừng trái pháp luật.

Các địa phương tự tin EUDR sẽ giúp ngành cà phê phát triển bền vững. Ảnh: Quang Yên.

Các địa phương tự tin EUDR sẽ giúp ngành cà phê phát triển bền vững. Ảnh: Quang Yên.

“Đơn vị đang hệ thống và cung cấp các thông tin liên quan như vị trí, diện tích, đối tượng vi phạm các vụ phá rừng trái phép sau 31/12/2020. Đây là căn cứ để phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản đối với các mặt hàng xuất khẩu sang châu Âu khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền”, ông Tuấn Anh nói.

Ông cho biết thêm, Sở NN-PTNT cũng yêu cầu đơn vị chuyên môn tham mưu xây dựng kế hoạch cấp mã số vùng trồng và quản lý mã vùng trồng. Trong đó, Chi cục Phát triển nông nghiệp có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, lộ trình để hình thành các vùng nguyên liệu. Các vùng này phải gắn với chuỗi ngành hàng, ưu tiên các ngành hàng có liên quan đến quy định của châu Âu. Việc đồng bộ hóa các cơ sở dữ liệu liên quan đến vườn trồng, các thông tin phục vụ truy xuất nguồn gốc… được chú trọng.

“Đơn vị đang tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp, HTX và người dân nên có giải pháp thúc đẩy việc tận dụng các phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp để sản xuất hữu cơ, tạo ra sản phẩm đạt chuẩn châu Âu”, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông thông tin thêm.

Theo báo nongnghiep.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0365222576