ĐBSCL chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024

ĐBSCL chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024

Còn khoảng 4 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán 2024, nhưng nhiều địa phương ở ĐBSCL bà con đang tập trung chăm sóc vườn cây ăn trái, các loại hoa phục vụ Tết. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang triển khai kế hoạch dự trữ hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Làng hoa Sa Đéc khởi động

Cách đây hơn 1 tháng, các hộ trồng cúc mâm xôi tại Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) đã bắt tay vào sản xuất vụ hoa lớn nhất trong năm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Hiện tại, giá các loại phân rơm, tro trấu, giỏ bội, vật tư nông nghiệp khá ổn định, chi phí đầu tư đầu vụ không tăng nên nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư cho vụ hoa Tết.

Là nhà vườn chuyên cung cấp cây giống hoa Tết cho người trồng trong và ngoài tỉnh, gia đình ông Trần Văn Út Hùng, ở ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc tất bật sản xuất theo đơn đặt hàng của khách, số lượng cây giống tăng khá cao so với năm trước. Bầu cây mâm xôi 20 ngày tuổi có giá bán 800 đồng/cây, không tăng so với năm trước và được đóng gói cẩn thận để vận chuyển đến các tỉnh, thành miền Tây như: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre…

Gia đình ông Trần Văn Út Hùng, xã Tân Khánh Đông, TP. Sa Đéc  chuẩn bị cây cúc mâm xôi giống để bán cho nông dân trồng phục vụ dịp Tết 2024.

Ông Hùng cho biết, mọi năm ghim cây con khoảng 80 – 90 thiên, năm nay làm 140 thiên do lượng khách hàng đặt tương đối nhiều. Nhằm hạn chế ảnh hưởng bởi thời tiết mưa nhiều, gia đình đã chủ động che chắn để đảm bảo chất lượng cây giống. Cây giống cần độ ẩm ít, mưa nhiều quá sẽ bị ôi nước, nếu xịt thuốc trị bệnh, cây sẽ bị hư bộ rễ. Vì vậy, tôi phải làm rèm che, mưa phải đậy lại, tạnh mưa thì dỡ ra.

Bên cạnh cúc mâm xôi, từ khoảng tháng 8 đến tháng 10 âm lịch, các giống hoa truyền thống của Làng hoa Sa Đéc như: cúc Đài Loan, cúc tiger, hoa hồng, thược dược, vạn thọ… sẽ tiếp tục được nông dân xuống giống. Để quyết định thắng lợi vụ hoa Tết đòi hỏi người nông dân phải thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, chăm sóc, bón phân, xử lý thời điểm ra hoa phù hợp…

Hy vọng hoa Tết được mùa, lãi cao

Tại các địa phương khác như: Tiền Giang, Bến Tre người dân 2 tỉnh đã gieo trồng các loại hoa để thu hoạch bán dịp Tết Nguyên đán 2024. Ông Nguyễn Hữu Lâu, ở ở xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết, từ khoảng tháng 4/2022, đã chuẩn bị giống gieo trồng. Tùy mỗi loại hoa có thời gian sinh trưởng mà gieo trồng vào những thời điểm khác nhau. Để chuẩn bị cho một mùa hoa Tết rực rỡ, hoa phải kịp nở rộ vào đúng dịp Tết Nguyên đán, yếu tố kỹ thuật là điều rất quan trọng. Hy vọng sẽ bội thu trong mùa vụ hoa Tết sắp tới.

Tại Bến Tre, anh Nguyễn Ngọc Danh (xã Long Thới, huyện Chợ Lách) chia sẻ, cứ mỗi năm thì gia đình anh sẽ gieo trồng lần lượt các loại hoa như vạn thọ, cúc mâm xôi, mào gà, vàng hòe, cúc Hà Lan, cát tường, đồng tiền… để chăm sóc, đợi đúng ngày thu hoạch trong dịp Tết Nguyên đán. Trồng hoa Tết tuy vất vả nhưng công việc này đem lại thu nhập khá, vì vừa tạo ra nguồn kinh tế, vừa đem lại sắc xuân cho ngôi nhà của mình. Hy vọng năm này hoa Tết sẽ được mùa vụ và lãi cao.

Nhà vườn miền Tây sản xuất hoa kiểng phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn năm 2024, (Ảnh: Ngọc Trinh).

Theo dự báo, những tháng cuối năm nhiệt độ cao và mặn đến sớm sẽ làm cho hoa nở sớm, do vậy ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con trồng hoa phải trữ nước tưới và chăm chút kỹ vườn hoa để giảm hư hại.

Bà Lê Thị Thúy (ngụ xã Long Thới, huyện Chợ Lách, Bến Tre) cùng gia đình đang chăm sóc hơn 3.000 m2 trồng hoa kiểng với nhiều chủng loại, dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 2.500 chậu hoa. Để có những chậu hoa đẹp mắt, màu sắc rực rỡ, bà Thúy cho hay đã tốn công chăm sóc rất nhiều, từ lúc xuống giống đến tỉa cành, bón phân, tưới nước… Điều bà lấy làm mừng là năm nay vật tư đầu vào ổn định, chi phí đầu tư không tăng nên bà hy vọng gần Tết hoa sẽ hút hàng vì giá cả không tăng.

Cuối tháng 9/2023, ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đã có buổi kiểm tra, làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia.

Tại đây, ông Sơn đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện đề án. Trong đó, cần phân chia các hoạt động, nhiệm vụ theo lộ trình, có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, xác định các giải pháp công trình và phi công trình… để tập trung thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, Sở cũng tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương để triển khai thực hiện song song Đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách. Xem xét, đánh giá tổng thể nội dung Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia và có đề xuất, điều chỉnh, bổ sung đối với các nội dung chưa phù hợp.

Nông dân ở huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) chăm sóc hoa, (Ảnh: Thành Nhân).

Trước đó, UBND tỉnh Bến Tre đã Quyết định phê duyệt Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia, với tổng kinh phí đầu tư gần 85 tỉ đồng. Mục tiêu của Đề án là xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung đạt 300-500 ha trên diện tích 1.500 ha để phát triển sản xuất giống cây trồng, hoa kiểng theo hướng công nghiệp nhằm cung cấp cho việc sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Mặt hàng quả rục rịch đợi Tết

Vừa chăm chút vườn cây ăn trái, ông Nguyễn Việt Bằng (ngụ xã Đông Thạnh, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long), hồ hởi cho biết, năm nào tới Tết Nguyên đán, vú sữa hoàng kim cũng có giá nên hiện giờ tôi đang tích cực chăm sóc 300 cây vú sữa trong vườn để kịp thu hoạch. Dự kiến dịp Tết sắp tới, vườn nhà tôi cung ứng khoảng vài tấn vú sữa hoàng kim ra cho thị trường, giá bán từ 45.000-50.000 đồng/kg là có lời.

Nhiều loại quả đặc trưng ở miền Tây chuẩn bị đợi Tết.

Cũng như ông Bằng, nhiều nông dân trồng cây ăn trái khác đều mong thời tiết thuận lợi để có cái Tết sung túc. Theo ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ), từ đây đến Tết Nguyên đán, HTX có khoảng 250 tấn vú sữa bơ hồng cung ứng cho thị trường. Trong đó, có khoảng 100 tấn để xuất khẩu với giá 55.000 đồng/kg, còn lại là bán nội địa khoảng 30.000-35.000 đồng/kg.

Vú sữa năm nay có giá nhưng còn vài tháng nữa đến Tết không biết thời tiết thế nào. Vừa qua mưa kéo dài ngay thời điểm vú sữa đang chín nên trái bị nứt và bệnh thán thư xuất hiện nhiều, ảnh hưởng tới năng suất, ông Chiến nói.

Cùng với vú sữa, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi là những loại trái được sử dụng phổ biến để chưng trong ngày Tết nên tầm tháng 5 hoặc tháng 6 âm lịch là nhà vườn bắt đầu chăm sóc cây cho trái. Không chỉ theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng của cây mà nhà vườn phải có kỹ thuật trồng để trái đạt trọng lượng, da đẹp mới bán được giá.

Ông Bùi Văn Năm (ngụ xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) nói, trồng bưởi Tết phụ thuộc nhiều vào thời tiết nhưng đây là mùa mà nhiều loại côn trùng như: ruồi vàng, sâu đục vỏ bưởi, bệnh ghẻ, loét… gây hại, làm giảm giá thành sản phẩm nên dễ gặp nhiều rủi ro. Nếu không chăm sóc kỹ thì trái không đạt. Khoảng 2 năm nay, giá bán bưởi Năm Roi vụ Tết không cao do kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, tôi vẫn chăm sóc vườn để có trái phục vụ nhu cầu Tết.

Hàng nghìn tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh chuẩn bị trên 7.000 tỷ đồng cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường những tháng cuối năm và Tết Giáp Thìn 2024. Tính đến thời điểm này, Sở Công thương tỉnh Trà Vinh đã vận động được 6 doanh nghiệp, 5 siêu thị và 13 cửa hàng tiện lợi tham gia dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, với tổng giá trị đạt hơn 7.000 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn của các doanh nghiệp và vốn vay của quỹ tín dụng, với hạn mức và lãi suất ưu đãi.

Nhiều địa phương chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Các mặt hàng thiết yếu được bày bán tại các đơn vị tham gia chương trình và được phân phối, cung ứng tại 38 điểm bán hàng khắp địa bàn tỉnh; tổ chức 4 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn vào những ngày cận Tết.

Để đảm bảo thị trường không biến động lớn hoặc xảy ra trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, tỉnh Trà Vinh còn ký thỏa  thuận với TP. Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh để hỗ trợ địa phương trong trường hợp khan hiếm hàng đột xuất. Chương trình bình ổn kéo dài trong 5 tháng, từ tháng 10 năm nay đến hết tháng 2 năm tới.

Ông Phạm Phước Trãi, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh cho biết, so với Tết năm 2023 thì chương trình bình ổn có sự tập trung chuẩn bị hàng hoá với lượng dự trữ tăng hơn. Đặc biệt, năm nay có sự vào cuộc của UBND các huyện, thị xã, thành phố hàng hoá cũng được phân bổ đều hơn, do đó hàng hoá năm nay đảm bảo người tiêu dùng trong dịp Tết năm 2024.

Tại TP. Cần Thơ, Sở Công thương đã xây dựng Chương trình bình ổn hàng hóa năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024; đồng thời tăng cường hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố nhằm chuẩn bị nguồn hàng tốt nhất cho mùa mua sắm cuối năm.

Ở các địa phương khác như An Giang, Sóc Trăng, Long An… cũng đã có kế hoạch cho mùa mua sắm cuối năm thông qua vận động doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng chất lượng, giá tốt; đồng thời vận động doanh nghiệp tổ chức các hoạt động khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Các địa phương cũng lên kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường nhằm tránh tình trạng hàng hóa bị tăng giá bất hợp lý, qua đó góp phần ổn định thị trường, giúp người dân yên tâm mua sắm.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0365222576