Các biện pháp và thủ tục cần thực hiện khi xuất khẩu thanh long sang EU
Mặc dù có nhiều lợi thế cạnh tranh như được tiếp cận thị trường mà không phải đánh giá rủi ro, thuế nhập khẩu được bãi bỏ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực nhưng trái thanh long của Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường lớn, giá trị cao nhưng rất “khó tính” do hiểu biết về yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) đối với an toàn thực phẩm và sức khỏe thực vật của người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu còn nhiều hạn chế.
Bài viết này sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin các quy định của EU về an toàn thực phẩm, hướng dẫn cách người dân và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp nhằm giúp trái thanh long của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của thị trường EU.
1. Hiện trạng xuất khẩu thanh long Việt Nam vào thị trường EU và các rào cản chính
Cho đến nay, giá trị xuất khẩu của thanh long Việt Nam vào thị trường EU chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng xuất khẩu thanh long của Việt Nam. Năm 2018, giá trị xuất khẩu thanh long sang EU đạt 7,97 triệu USD (chiếm tỷ trọng 0,67% tổng giá trị xuất khẩu thanh long), năm 2019 đạt 10,68 triệu USD (0,85%), năm 2020 đạt 9,53 triệu USD (0,86%) và 7 tháng đầu năm 2023 đạt 5,13 triệu USD (1,29%). Một trong các nguyên nhân hạn chế đó là các vi phạm về an toàn thực phẩm, chủ yếu là do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt ngưỡng tối đa cho phép (MRL) hoặc tồn dư thuốc bị cấm hoặc không có trong danh mục được phép sử dụng. Thanh long từ Việt Nam nằm trong Phụ lục II của Quy định (EU) 2019/1793 kể từ khi Quy định này có hiệu lực (tháng 10 năm 2019) do nguy cơ ô nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu.
Tháng 6/2022, EU thông báo ban hành Quy định (EU) 2022/913 ngày 30/5/2022 sửa đổi Quy định về các biện pháp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU có hiệu lực từ 3/7/2022. Theo quy định này, thanh long của Việt Nam tiếp tục duy trì trong danh mục yêu cầu bổ sung giấy Chứng nhận an toàn thực phẩm theo Phụ lục II, Quy định (EU) 2021/2246 sửa đổi bổ sung Quy định (EU) 2019/1793, giữ tần suất kiểm tra 20%.
Vườn thanh long ứng phó hạn, mặn ở xã Kiểng Phước (Gò Công Đông – Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí
Kết quả Tổng hợp kết quả kiểm soát chính thức thanh long từ Việt Nam giai đoạn 2021 – 2022 theo quy định 6 tháng/ lần cho thấy, các biện pháp quản lý chất lượng của Việt Nam đã cải thiện trong việc tuân thủ các yêu cầu liên quan được quy định trong luật pháp của EU, tuy nhiên, mức độ không tuân thủ vẫn ở mức cao (khoảng 4,5 – 5% không tuân thủ).
Nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm quy định về MRL là do:
+ Sử dụng hóa chất BVTV nhiều, chưa tuân thủ “ 4 đúng”, đặc biệt là chưa đảm bảo thời gian cách ly theo khuyến cáo của nhà sản xuất;
+ Sử dụng các hoạt chất thuốc BVTV không có trong Danh mục được phép sử dụng của EU. Đối với các thuốc BVTV không được EU cho phép sử dụng bị áp mức MRL rất thấp, thường là 0,01 ppm, hầu như nếu đã sử dụng thì không thể đáp ứng quy định này.
2. Yêu cầu chung về an toàn thực phẩm với trái thanh long nhập khẩu vào EU
Ngoài hồ sơ hải quan nhập khẩu và xuất khẩu, tất cả các lô hàng thanh long (quả tươi hoặc đông lạnh) khi xuất từ Việt Nam sang EU phải đáp ứng các yêu cầu luật pháp tối thiểu về an toàn thực phẩm sau đây:
- Dư lượng thuốc BVTV và hóa chất (kim loại nặng) không được vượt quá ngưỡng tối đa cho phép (MRL) của EU;
- Quy cách đóng gói và ghi nhãn phải tuân thủ quy tắc của EU;
- Do nhà nhập khẩu đã đăng ký với Cơ quan có thẩm quyền của một nước thành viên EU nhập khẩu;
- Tuân thủ yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, vệ sinh và an toàn thực phẩm, và có hệ thống cung cấp thông tin cho Cơ quan có thẩm quyền của EU và Việt Nam khi được yêu cầu;
Ngoài các yêu cầu nói trên, hiện nay thanh long (tươi hoặc đông lạnh) từ Việt Nam tạm thời đang thuộc diện phải tuân thủ điều kiện đặc biệt khi nhập khẩu vào EU. Theo đó, mọi lô hàng thanh long từ Việt Nam đều phải có Chứng nhận chính thức theo mẫu nêu trong Phụ lục IV (“chứng nhận chính thức”- Official certificate) của Quy định (EU) 2021/608 do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (Cục Bảo vệ thực vật) cấp, kèm theo kết quả lấy mẫu và phân tích ATTP của phòng thí nghiệm đủ điều kiện thực hiện.
Kết quả lấy mẫu và phân tích ATTP đi kèm theo từng lô thanh long của Việt Nam đều phải có số liệu về dư lượng của ít nhất các loại hoạt chất nêu trong Chương trình kiểm soát được phê duyệt theo Điều 29(2) của Quy định (EC) 396/2005 liên quan đến MRL của thuốc BVTV trên thực phẩm có nguồn gốc thực vật, có thể phân tích bằng phương pháp đa dư lượng theo GC-MS và LC-MS và dư lượng Dithiocarbamates (dithiocarbamates được thể hiện là CS2, bao gồm maneb, mancozeb, metiram, propineb, thiram và ziram), Phenthoate và Quinalphos.
Khi đến cửa khẩu của EU, các lô hàng thanh long có đầy đủ các giấy tờ trên còn chịu sự kiểm soát về ATTP của nước nhập khẩu với tần suất lấy mẫu để kiểm tra là 20%.
Ủy ban châu Âu định kỳ rà soát, bổ sung, sửa đổi quy định hiện hành đối với thanh long Việt Nam. Sau một thời gian, nếu các lô hàng thanh long từ Việt Nam đáp ứng tốt các quy định về ATTP sẽ được đưa ra khỏi danh sách “kiểm soát đặc biệt”. Khi đó, các lô hàng thanh long Việt Nam sẽ không bắt buộc phải kiểm tra ATTP và có chứng nhận chính thức khi xuất khẩu sang EU, đồng thời tần suất lấy mẫu kiểm tra ATTP tại cửa khẩu của EU cũng sẽ giảm đi.
Quy định của EU thường xuyên được điều chỉnh và thay đổi. Do vậy, các nhà sản xuất và công ty xuất khẩu sản phẩm sang EU cần lưu ý phải kiểm tra, cập nhật văn bản pháp luật liên quan của EU và thông tin do EC cung cấp.
Cần lưu ý rằng, ngoài các yêu cầu bắt buộc trên, khách hàng EU cũng có thể đòi hỏi nhà cung cấp đáp ứng một số yêu cầu bổ sung, chẳng hạn như chứng nhận chất lượng thực phẩm, Tiêu chuẩn Global GAP, mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn mức quy định của pháp luật EU, trách nhiệm đối với xã hội và môi trường của doanh nghiệp xuất khẩu…
Việc kiểm tra ATTP của thực phẩm nhập khẩu vào EU, trong đó có thanh long, không những chỉ được thực hiện tại cửa khẩu/ biên giới mà còn được lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra khi thực phẩm đó được lưu thông trên thị trường. Nếu phát hiện vi phạm, thực phẩm đó vẫn có thể bị thu hồi, tiêu hủy, truy xuất nguồn gốc.
2.1 Cách tra cứu Quy định của EU về thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng tối đa cho phép (MRL) trên thanh long
Nhằm bảo vệ người tiêu dùng ở mức độ cao, đặc biệt nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, không gây nguy cơ/rủi ro với môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nông sản, Nghị viện châu Âu ban hành Quy định (EC) 396/2005 (Quy định MRL) về Giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL) trên hoặc trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc thực vật và động vật.
Đường dẫn vào trang cơ sở dữ liệu MRL thuốc bảo vệ thực vật của EU:
https://ec.europa.eu/food/plant/pesticides/eu-pesticides-database/start/screen/mrls
Để biết MRL mà EU quy định đối với thanh long, sau khi truy cập vào Cơ sở dữ liệu MRL của thuốc BVTV (Pesticides database- MRL), xem mục Search options phía bên trái màn hình ở mục Product(s), bấm vào ô Select product(s). Màn hình mới sẽ hiện ra “Select product(s)” và có các gợi ý để điền thông tin cần tìm. Trong cơ sở dữ liệu về MRL thuốc BVTV của EU, thanh long thuộc nhóm “Prickly pears/Cactus fruits” với mã số 0162040. Nếu một hoạt chất không có MRL trong cơ sở dữ liệu này thì rất có thể sẽ phải thực hiện quy định về MRL mặc định (thường là 0.01ppm)
Để biết về các hoạt chất thuốc BVTV được EU phê duyệt , có thể truy cập vào Cơ sở dữ liệu thuốc BVTV của EU theo đường dẫn:
https://ec.europa.eu/food/plants/pesticides/eu-pesticides-database_en. (EU pesticides database), sau đó chọn mục “active substances” (các hoạt chất) và điền tên của hoạt chất muốn kiểm tra vào ô trống có sẵn. Kết quả tìm kiếm sẽ hiện ra: “Approve” trên nền màu xanh lá cây có nghĩa là hoạt chất được EU phê duyệt; nếu kết quả tìm kiếm là “Not approved” trên nền màu đỏ có nghĩa là hoạt chất đó không được EU phê duyệt. Ví dụ về kết quả truy cứu hiện trên màn hình máy tính khi kiểm tra 2 hoạt chất thuốc BVTV trong Cơ sở dữ liệu thuốc BVTV của EU (Azadỉachtin và Hexaconazole) như sau:
Active substances, safeners and synergists (1 matching records)
Export Active substances
Top of Form
Bottom of Form
Azadirachtin (Margosa extract)APPROVEDExpiry of Approval : 31/08/2024 |
Active substances, safeners and synergists (1 matching records)
Export Active substances
Top of Form
Bottom of Form
Hexaconazole NOT APPROVED |
2.3 Quy định của EU về chất gây ô nhiễm thực phẩm
EU đã ban hành Quy định (EC)1881/2006 về thiết lập mức tối đa đối với một số chất gây ô nhiễm nhất định trên thực phẩm. Với trái thanh long tươi, nếu được trồng tại vùng quy hoạch và có quản lý và cấp mã số vùng trồng, cách xa các khu công nghiệp và dùng nước tưới sạch thì hạn chế tối đa bị ô nhiễm với kim loại nặng như chì hoặc Cadmium. Giới hạn tối đa cho phép trên trái thanh long với chì là 0,1 mg/kg va Cadmium là 0,05 mg/kg.
Quy định giới hạn tối đa các chất chất ô nhiễm trong thực phẩm theo Regulation (EC)1881/2006 được tra cứu tại đường link: http:/eur-lex.europa.eu/eli/reg/2006/1881/oj.
3. Các biện pháp cần thực hiện để đáp ứng quy định về ATTP đối với Thanh long xuất khẩu vào thị trường EU
Nhằm khắc phục các tồn tại về vi phạm MRL thuốc BVTV trên trái thanh long và các quy định khác, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất vào thị trường EU, trước hết cần phải tuân thủ nghiêm các quy định về sử dụng thuốc BVTV trong danh mục được phép của EU.
Doanh nghiệp trong liên kết sản xuất, xuất khẩu hoặc người sản xuất có thể tiếp cận danh mục hoạt chất trong thuốc BVTV và chất cơ bản đã được hoặc không được phê duyệt ở EU khi truy cập hệ thống quản lý của EU.
Điều đáng lưu ý là, nhiều thuốc bảo vệ thực vật chưa được phê duyệt hoặc bị rút khỏi danh mục ở EU lại vẫn còn được phép sử dụng và được sử dụng phổ biến ở Việt Nam (ví dụ: Hexaconazole, mancozeb, propineb, zineb, imidacloprid, matrine, cartap, acephate, chlorfenapyr…). Các loại thuốc này không nên sử dụng cho mục đích BVTV trên thanh long xuất khẩu sang EU.
Ngoài ra, không phải tất cả hoạt chất thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam đều được đăng ký tại EU và nằm trong danh mục thuốc đã được phê duyệt của EU. Các hoạt chất này trên sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang EU bị áp mức MRL rất thấp (MRL mặc định), thường là 0,01 ppm.
Do vậy, giải pháp thực tế nhất cho các nhà vườn thanh long để xuất sang EU là giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV và tránh sử dụng những thuốc không có trong danh mục thuốc đã được phê duyệt tại EU. Nếu buộc phải dùng cần sử dụng thuốc BVTV, nhà sản xuất rau quả phải chọn những hoạt chất đã được phê duyệt hợp pháp tại EU và được phép sử dụng tại Việt Nam. EU cũng áp dụng chính sách khuyến khích thuốc BVTV sinh học bằng cách xóa bỏ yêu cầu về MRL đối với thuốc sinh học. Do đó, cùng với sử dụng các phương pháp phòng ngừa và không sử dụng thuốc, thuốc sinh học phải là phương án ưu tiên trong quản lý dịch hại trên thanh long nói riêng và rau quả nói chung để đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm khi xuất khẩu vào thị trường EU.
Trong năm 2020, EU thực hiện bộ chính sách và hành động gọi là Thỏa thuận xanh châu Âu, với mục tiêu đến năm 2050 nền kinh tế châu Âu sẽ bền vững hơn và trung hòa các-bon. Kế hoạch hành động cũng đưa ra mục tiêu giảm 50% thuốc BVTV được sử dụng và tăng tỉ lệ đất nông nghiệp dùng cho nông nghiệp hữu cơ lên 25% vào năm 2030. Điều này có nghĩa là nhiều loại thuốc BVTV sẽ bị cấm tại EU và mức MRLs sẽ giảm dần trong những năm tới.
Một số biện pháp ưu tiên:
3.1. Quản lý vùng trồng và cơ sở sơ chế, đóng gói
Các chủ vườn trong vùng trồng phải tuân thủ quy trình kỹ thuật áp dụng trên cây thanh long. Triệt để tuân thủ các biện pháp chăm sóc, quản lý dịch hại đồng thời ghi chép nhật ký với đầy đủ thông tin liên quan đến quá trình chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc BVTV…, đảm bảo việc truy xuất thông tin sau này.
Cơ sở sơ chế, đóng gói phải được thiết lập, giám sát theo quy định của EU và đáp ứng các yêu cầu tối thiểu như: có nguồn nước sạch, điện, hệ thống thoát nước, xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống cháy nổ. Cơ sở đóng gói phải đảm bảo cơ sở vật chất cho tiếp nhận, phân loại, sơ chế bảo quản và đóng gói trái thanh long theo nguyên tắc một chiều có biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại, tránh tái nhiễm và lây nhiễm chéo. Các loại hóa chất sử dụng trong quá trình sơ chế, bảo quản, đóng gói phải trong danh mục được phép sử dụng của nước nhập khẩu. Bao bì và nguyên liệu dùng cho đóng gói phải đảm bảo VSATTP, các quy cách thông tin ghi đáp ứng yêu cầu về KDTV của Việt Nam và nước nhập khẩu.
3.2. Áp dụng thực hành nông nghiệp tốt – GAP
Áp dụng Global GAP cho các nhà vườn trong vùng trồng thanh long xuất khẩu sang EU cùng với định hướng quản lý cây trồng tổng hợp, đảm bảo dinh dưỡng cân đối, cây khỏe, chống chịu bệnh; đảm bảo vệ sinh đồng ruộng, nhất là thu gom và tiêu hủy tàn dư thực vật, cành thanh long già cỗi hoặc bị bệnh; cắt tỉa cành, quả tạo thoáng để giảm tồn lưu dịch hại trên vườn, nhất là nguồn bệnh trên cây.
3.3 Quản lý dịch hại trên vườn thanh long
Sử dụng biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPM) với các biện pháp chính sau:
Biện pháp canh tác
Chú trọng cây giống sạch bệnh, giống được xác nhận; mọi tàn dư thực vật, đặc biệt là quả, cành bị bệnh phải được thu gom, tiêu hủy; Vườn luôn được đảm bảo tưới đủ nước vào mùa khô và thoát nước nhanh, không gây ngập úng vào mùa mưa; cắt những cành già cỗi đã 2 năm thu quả, cành bị bệnh, hoặc cành nằm khuất trong tán, tạo thông thoáng giúp cây khỏe, ít bệnh. Dùng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh để tăng mùn giúp gia tăng hệ vi sinh vật đất có lợi và khả năng giữ nước; sử dụng phân vô cơ cân đối, đảm bảo pH 5,5-6,5.
Biện pháp bao quả
Sử dụng túi chuyên dụng có các lỗ nhỏ (có thể dùng loại vải không dệt) giúp việc trao đổi không khí dễ dàng hơn, không gây ứ đọng nước trong túi như các loại túi thông thường khác. Trong quá trình phát triển của trái cây được bao bọc, hạn chế tình trạng thối trái, rụng trái non, tránh bị ruồi, sâu đục trái và các côn trùng chích hút, nhện đỏ gây hại tới trái cây; chống tia UV tác động trực tiếp lên vỏ trái làm vỏ trái bị bỏng, rám nắng, hạn chế tình trạng sương muối gây bỏng trái, rám trái đồng thời giúp giảm đáng kể dư lượng thuốc BVTV bám trên bề mặt trái cây qua đó tạo ra nguồn nông sản sạch, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.
Thực hiện bao trái khi kết thúc quá trình rụng núm hoa hoặc quả to bằng nắm tay. Trước đó nên phun thuốc trừ nấm bệnh và côn trùng trong danh mục được phép sử dụng, để khô sau 1-2 ngày sau đó tiến hành bao trái.
Biện pháp sinh học
Bón đầy đủ phân hữu cơ, tủ gốc giữ ẩm và tưới nước đầy đủ hạn chế bệnh vàng bẹ cành thanh long. Bón kết hợp phân hữu cơ với vi sinh vật có ích như: Trichoderma, Bacillus hoặc các chế phẩm chứa vi sinh vật có lợi để hạn chế bệnh hại có nguồn gốc từ đất. Nuôi và duy trì đàn kiến vàng Oecophylla smaragdina và các và sử dụng chế phẩm Trichoderma hoặc các chế phẩm chứa vi sinh vật có lợi để hạn chế bệnh hại có nguồn gốc từ đất.
Biện pháp hóa học
Kiểm tra thường xuyên tình hình dịch hại trên cây và khi thật sự cần thiết sử dụng thuốc BVTV. Phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, đó là đúng thuốc, thời điểm, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách và theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Đặc biệt lưu ý, chỉ sử dụng các hoạt chất thuốc BVTV được EU cho phép, ghi chép tên thuốc, thời gian sử dụng, cách sử dụng, liều lượng sử dụng vào sổ nhật ký sản xuất và lưu giữ để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc khi cần thiết theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và EU.
Với các đối tượng kiểm dịch thực vật
Không được phép xuất hiện trong trái thanh long, bao bì và các phương tiện bao gói đi kèm. Tại văn bản (EU) 2019/2072 đã quy định có 2 đối tượng sâu hại phổ biến trên thanh long tại Việt Nam nhưng nằm trong Danh mục đối tượng KDTV mà EU kiểm soát hết sức nghiêm ngặt, đó là ruồi đục quả (Bactrocera spp) và bọ trĩ (Thrips palmi). Các biện pháp phòng chống, loại trừ các đối tượng KDTV này đã được viết chi tiết tại bài viết: Các biện pháp và thủ tục cần thực hiện để đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu thanh long sang EU.
Thu hoạch và sau thu hoạch, đóng gói vận chuyển
Nên thu hoạch thanh long từ 32 – 35 ngày sau khi hoa nở để trái cây có chất lượng ngon và bảo quản lâu hơn cho xuất khẩu ở các thị trường châu Âu. Nên thu hoạch lúc sáng sớm, chiều mát, tránh ánh nắng gay gắt chiếu trực tiếp làm mất nước nhanh, ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian bảo quản. Dùng kéo cắt tỉa cây sắc bén, khi cắt trái xong bỏ vào giỏ nhựa. Khi thu hoạch thanh long, không để trái xuống đất để tránh nhiễm nấm bệnh gây hỏng cuống khi bảo quản. Bao lót kỹ tránh tổn thương do va đập, không nên chất đầy giỏ khi vận chuyển.
Để thanh long trong bóng râm mát sau khi hái, vận chuyển ngay về khu sơ chế để phân loại. Những trái có mẫu mã, kích thước đồng đều, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (trọng lượng 350 – 400 gram; hình dạng đẹp, vỏ có màu đỏ trên 70% diện tích quả; khoang mũi không sâu quá 1 cm và không có mũi nào nhô lên; cấu trúc quả chắc…) được rửa sạch, làm khô, bao quả hay phủ sáp nhằm giảm sự hô hấp và mất nước của quả. Sử dụng biện pháp bao quả với túi PE có đục lỗ để duy trì chất lượng quả dài hơn trong quá trình tồn trữ và vận chuyển (có thể dùng túi GreenMAR để tăng thời gian bảo quản).
==
Tài liệu tham khảo
- Ngô Xuân Chinh (chủ biên), Nhan Thị Minh Uyên, Phan Thị Thu Hiền, Ngô Quốc Tuấn. Sổ tay hướng dẫn sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu (EU). SYMST- Việt Nam, Hà Nội, tháng 4/2023.
- Nguyễn Xuân Hồng. Quy định của EU về an toàn thực phẩm và sức khỏe thực vật đối với hàng nhập khẩu nguồn gốc thực vật. SYMST- Vietnam, Hà Nội, 2023.
- Commission Implementing Regulation (EU) 2019/2072
- Regulation (EU) 2016/2031.
- Thông báo gửi Cục BVTV của Cơ quan quan lý sức khỏe và an toàn thực phẩm (DG SANTE), Unit G4 – Official controls B232, 03/042, B-1049 Brussels/Belgium