Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với Hội Làm vườn Việt Nam và một số hội, tổng hội thuộc Bộ

Chiều 18/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chủ trì làm việc với lãnh đạo Hội Làm vườn Việt Nam và một số hội, tổng hội thuộc Bộ.

Tại buổi làm việc, nhiều vấn đề liên quan tới việc phối hợp, hợp tác giữa các hội, tổng hội với các cơ quan thuộc Bộ đã được đưa ra.

Hội xã hội – nghề nghiệp đầu tiên trong ngành Nông nghiệp

Tại buổi làm việc, ông Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, Hội Làm vườn Việt Nam được thành lập theo Quyết định 31-BT ngày 22/2/1986 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), là Hội xã hội – nghề nghiệp đầu tiên trong ngành Nông nghiệp nước ta.

Hội hoạt động trên phạm vi cả nước, hiện có 54 Hội Làm vườn cấp tỉnh, 27 hội viên doanh nghiệp, 60 hội viên cá nhân là các nhà khoa học, nhà quản lý đương chức hoặc đã nghỉ hưu. 54 Hội cấp tỉnh có 493 Hội cấp huyện, 6.197 Hội cấp xã, 18.481 Chi hội thôn, bản; 153 doanh nghiệp, 909 HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ, hội quán với tổng số 662.570 hội viên cá nhân, trong đó trên 30 nghìn hội viên trang trại.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Ngay từ khi thành lập (1986) theo ý tưởng của Bác Hồ: “Trên vườn cây – dưới ao cá”, Hội đã đề xuất và vận động phong trào phát triển kinh tế vườn – ao – chuồng ở khuôn viên hộ gia đình gọi tắt là VAC. Phong trào làm VAC do Hội vận động đi từ nhỏ đến lớn, từ thấp lên cao, làm VAC giúp chăm lo cải thiện bữa ăn, chống đói, suy dinh dưỡng khi đất nước còn rất khó khăn. Phong trào làm VAC khi đó không những được nhân dân ta khen ngợi mà được nhiều tổ chức quốc tế UNICEF, AuSAID, QSA, FAO, CARE…đánh giá cao, cho đây là cách làm độc đáo của Việt Nam.

Cũng từ đó, VACVINA trở thành thương hiệu, biểu tượng của Hội Làm vườn Việt Nam. Từ khi đất nước đổi mới, phong trào VAC tiếp tục phát triển theo hướng kinh tế hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đến nay, các chuyên gia đều thống nhất cho rằng, VAC là mô hình kinh tế tuần hoàn điển hình trong nông nghiệp.

Trong 7 nhiệm kỳ, các cấp Hội đã tập trung xây dựng hàng trăm mô hình làm vườn và VAC điển hình ở các vùng như: cải tạo vườn tạp, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; cải tạo ao nuôi, nuôi cá chim trắng, cá rô phi…  Bên cạnh những mô hình do các cấp Hội xây dựng, Hội còn phát hiện những mô hình VAC tiêu biểu của nông dân, từ đó tổng kết, nhân ra diện rộng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì buổi làm việc.

Ở tất cả các nhiệm kỳ, Hội đều xác định thông tin, tuyên truyền về kỹ năng và kinh nghiệm làm vườn và VAC cho hội viên có vị trí rất quan trọng. Báo Kinh tế nông thôn (nay là Tạp chí Kinh tế nông thôn) là một trong những đơn vị thuộc Hội đã có nhiều nỗ lực hoạt động trong lĩnh vực này. Hội có trang Website vacvina.org.vn, bình quân có 3-4 nghìn lượt truy cập/ngày; Hội đã xuất bản trên 40 đầu sách về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, xây hầm Biogas, làm phân sinh học…

Một số Hội cấp tỉnh và các đơn vị trực thuộc đã xuất bản đặc sản, thông tin chuyên đề hoặc xuất bản sách chuyên đề để tuyên truyền phát triển VAC. Hàng năm chủ trì hoặc phối hợp tổ chức hàng trăm lớp đaò tạo, tập huấn, tham quan, hội nghị, hội thảo phổ biến kiến thức cho hàng vạn hội viên, nông dân.

Với những đóng góp có ý nghĩa thiết thực, Hội đã được Nhà nước trao tặng 02 Huân chương Lao động hạng nhất, 01 Huân chương Lao động hạng nhì, 02 Huân chương Lao động hạng ba và nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp PTNT, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam…

Ông Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT) trao đổi tại buổi làm việc.

Kết quả thực hiện Nghị quyết liên tịch

Trong suốt quá trình hoạt động, Hội luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, sự phối hợp của các đơn vị trực thuộc Bộ. Cụ thể, trong 7 nhiệm kỳ, Bộ đều đã cử các đồng chí Thứ trưởng tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Chủ tịch Hội kiêm nhiệm.

Đặc biệt, ngày 04/4/2013, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ký Nghị quyết liên tịch số 1123/NQLT-BNNPTNT-HLV với Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác giai đoạn 2013-2020. Trên cơ sở Nghị quyết liên tịch, Hội đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường, Cục BVTV, Cục Trồng trọt tổ chức thành công Hội nghị Tuyên dương các điển hình tiên tiến làm khuyến nông VAC toàn quốc; triển khai 5 dự án khuyến nông về trồng và chăm sóc thanh long, trồng lê giống mới VH6, cải tạo vườn tạp, nuôi tôm thẻ chân trắng, cải tạo chất lượng đàn bò với tổng kinh phí là 18 tỷ đồng; tổ chức 5 Diễn đàn khuyến nông @ về  ứng dụng KHCN nâng cao hiệu quả kinh tế VAC, phát triển vườn đô thị, triển khai; 20 lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật và tổ chức sản xuất cho hội viên, nông dân.

Ông Doanh đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan xem xét ký gia hạn Nghị quyết Liên tịch hoặc ký Nghị quyết liên tịch mới.

Phối hợp với Văn phòng Ban Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM, Hội đã triển khai đạt kết quả tốt 2 dự án về xây dựng mô hình VAC-B (vườn, ao, chuồng và khí sinh học) gắn với bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng mô hình vườn mẫu VAC tại các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, kinh phí hơn 4 tỷ đồng.

Đặc biệt, ở các địa phương, trên 80% Hội Làm vườn cấp tỉnh đã ký Nghị quyết liên tịch với Sở Nông nghiệp và PTNT; Ban Chấp hành Hội các cấp đều có đại diện của ngành Nông nghiệp tham gia. Với sự giúp đỡ của ngành Nông nghiệp, các Hội cấp tỉnh đã hướng dẫn hàng vạn hội viên, nông dân cải tạo vườn tạp, ghép cải tạo, xây dựng hàng ngàn mô hình sản xuất theo VietGAP, GlopalGAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; vận động hội tham gia Hội quán và HTX chuyên cây ăn quả; xây dựng và tổ chức thi vườn mẫu, vườn chuẩn.

Có thể nói, việc triển khai Nghị quyết liên tịch từ 2013 đến nay đã giúp Hội củng cố, phát triển vững mạnh về tổ chức, góp phần thiết thực cùng với các đơn vị trực thuộc Bộ, các địa phương thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chỉ đạo của Bộ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trong phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM.

Tại buổi làm việc, ông Doanh đã đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan xem xét ký gia hạn Nghị quyết Liên tịch trên hoặc ký Nghị quyết liên tịch mới nhằm xác định phương hướng, nội dung, các giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả phối hợp công tác giữa các đơn vị của Bộ và Hội Làm vườn Việt Nam giai đoạn 2023 – 2028; tạo điều kiện giúp Hội phát huy tốt vai trò, góp phần thiết thực đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn và nông nghiệp, nông thôn ở nước ta.

Bộ trưởng, Ban Cán sự Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét, giới thiệu một đồng chí Lãnh đạo Bộ tham gia Ban Chấp hành và giữ chức Phó Chủ tịch Hội kiêm nhiệm nhiệm kỳ 2020-2025; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ quan tâm, tạo điều kiện để Hội Làm vườn Việt Nam chủ trì hoặc phối hợp triển khai thực hiện các dự án khuyến nông, xây dựng các mô hình; tổ chức các hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế vườn và VAC theo mô hình liên kết chuỗi giá trị theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, bền vững.

Cần có cơ chế phối hợp

Tại buổi làm việc, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia đánh giá cao việc thực hiện phối hợp với các hội, tổng hội, đặc biệt là làm rất tốt trong công tác truyền thông. Trung tâm đã phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam trong xây dựng các mô hình. Hội là một trong những đơn vị có nhiều đóng góp nhưng mới dừng lại ở mức vừa phải. Làm thế nào để tích hợp được với các hội viên và khuyến nông cơ sở?

Ông Thanh cho hay, hiện nay, Bộ đang kiện toàn khuyến nông viên cơ sở, chính lực lượng của các hội có thể tham gia vào lực lượng khuyến nông cơ sở. Đây là hình thức xã hội hóa. Ngoài phối hợp với Hội ở Trung ương, làm thế nào lan tỏa xuống địa phương, trực tiếp xuống các hội viên của các hội, tổng hội. Trung tâm sẽ có văn bản triển khai xuống khuyến nông cơ sở.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông quốc gia đánh giá cao sự phối hợp với các hội, trong đó có Hội Làm vườn Việt Nam.

Trong hoạt động truyền thông, Trung tâm phối hợp gắn với các hoạt động xây dựng mô hình. Hiện nay, làm thế nào để các cơ quan báo chí đồng hành, có những truyền thông phản biện các hoạt động đó. Trong đó, lực lượng thành viên của hội, tổng hội phản biện rất tốt. Rất mong các thành viên tham gia phản biện cùng khuyến nông. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đồng hành cùng các hội, tổng hội.

Đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển kinh tế nông thôn cho biết, các hội, tổng hội đã và đang phát triển, giúp cho ngành Nông nghiệp tạo cầu nối giữa Nhà nước với nông dân. Cục mong muốn đồng hành với các hội, hiệp hội, tổng hội. Cục mong muốn có kế hoạch hợp tác với các hội, tổng hội hàng năm.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế nông thôn kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và PTNT nên xây dựng cơ chế phối hợp chung, trên cơ sở đó, các hội tìm ra sự phối hợp, hợp tác với các đơn vị của Bộ cho phù hợp. Khi đã có cơ chế phối hợp, hợp tác thì việc đưa các chính sách của Bộ xuống cơ sở sẽ thuận lợi, hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế nông thôn trao đổi tại buổi làm việc.

Đại diện một số hội cho biết, các hội mong muốn phối hợp với các đơn vị của Bộ nhưng cơ chế phối hợp chưa có nên rất khó khăn để thực hiện. Để tận dụng được trí thức trong các hội, cần phải có cơ chế phối hợp.

Tại buổi làm việc, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng cho rằng, cần có cơ chế phối hợp đối với các hội, tổng hội.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, chúng ta hiểu là chúng ta cần nhau, Bộ cần hội, hội cần Bộ. Nghị quyết liên tịch mà Hội Làm vườn Việt Nam đề nghị, giao cho Vụ Kế hoạch đánh giá, Bộ sẵn sàng ký lại. Vụ Kế hoạch nghiên cứu có dịp nào đó thực hiện triển lãm tại Bộ giới thiệu các hoạt động của các hội về xây dựng cầu đường, NTM, mô hình vườn mẫu…, tạo ra tín hiệu mình là một nhà.

 

Hoàng Văn
Theo báo kinhtenongthon.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0365222576