Giải pháp phát triển nông nghiệp xanh

Giải pháp phát triển nông nghiệp xanh

Những năm gần đây, Việt Nam đang có những bước phát triển tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, phát huy vai trò của quốc gia có lợi thế về nông nghiệp. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu cần nhiều giải pháp mang tính đột phá, hiệu quả và quá trình thu hút đầu tư nông nghiệp xanh.

Phát triển nông nghiệp xanh, xu hướng tất yếu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế toàn cầu, tăng trưởng xanh nói chung, nông nghiệp xanh nói riêng đã dần trở thành xu hướng phát triển chủ đạo. Tại Diễn đàn “Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp xanh 2024” diễn ra mới đây, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế xanh là một xu hướng tất yếu, yêu cầu bắt buộc trong sản xuất hàng hoá, hàng hoá xuất khẩu, hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới.

Nông nghiệp xanh được xem là mô hình phát triển nông nghiệp chủ đạo trong tương lai.

Tại Hội nghị COP26 (tháng 12/2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” đến năm 2050; giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010. Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực – thực phẩm, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và xuất khẩu.

Theo ông Phòng, thế giới đang đứng trước bài toán khó giải về đảm bảo an ninh lương thực. Nhu cầu về chuyển đổi hệ thống thực phẩm nông nghiệp theo hướng hiệu quả hơn, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang có những bước phát triển tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, phát huy vai trò của quốc gia có lợi thế về nông nghiệp, từng bước mở rộng, nâng cao quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng và chất lượng, đáp ứng cả nhu cầu lương thực quốc gia lẫn xuất khẩu, đóng góp vào tăng trưởng GDP ở mức khá cao.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, ông Phòng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây; Trong đó, nông nghiệp tăng 3,15%; lâm nghiệp tăng 5,34%; thủy sản tăng 3,76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, ngành Nông nghiệp tự tin nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm lên 57-58 tỷ USD, cao hơn 2-3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm…

Những năm vừa qua, nông nghiệp Việt Nam đã và đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh. Nông nghiệp xanh sử dụng các phương pháp canh tác thông minh, sử dụng phân bón hữu cơ, giảm sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển nông nghiệp bền vững theo xu thế tất yếu hiện tại.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, hiệp hội, việc phát triển, đầu tư cho nông nghiệp xanh tại Việt Nam còn một số điểm nghẽn như chuỗi sản xuất nông nghiệp xanh còn thiếu liên kết, các đơn vị đầu tư cho nông nghiệp xanh còn nhỏ lẻ, vốn đầu tư cho nông nghiệp xanh còn khó tiếp cận…

Tại Việt Nam, nông nghiệp xanh được xác định là chủ trương quan trọng nhằm hướng đến một mô hình nông nghiệp tăng trưởng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, (tapchitaichinh).

Theo ThS. Nguyễn Văn Ngà, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Mebi Farm, để nền nông nghiệp bền vững triển khai vào thực tiễn, vẫn còn khá nhiều thách thức, nhưng thách thức lớn nhất là công nghệ và vốn đầu tư. Thứ nhất, muốn sử dụng ít tài nguyên mà vẫn đạt năng suất cao, phẩm chất nông sản tốt, thì cần đầu tư vào công tác giống, quy trình công nghệ canh tác và công nghệ sơ chế, chế biến sau thu hoạch. Về khía cạnh này, để kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đáp ứng và triển khai được vào thực tiễn, thì hoạt động nghiên cứu phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của nhà nông, đi cùng nhà nông.

Theo một số báo cáo khoa học, hao hụt nông sản sau thu hoạch ở nước ta ước chừng khoảng 30% – 35% sản lượng. Nếu có công nghệ thu hoạch, sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch hiệu quả thì điều này sẽ mặc nhiên gia tăng sản lượng trên một suất đầu tư, mà không phải tăng chi phí sử dụng nguồn tài nguyên như đất canh tác, phân bón, nước tưới, năng lượng…

Thứ hai, để phát triển nông nghiệp xanh và bền vững thì phải đầu tư ứng dụng công nghệ canh tác, nuôi trồng theo quy trình nông nghiệp tuần hoàn, giảm lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí.

Triển khai các giải pháp

Các doanh nghiệp và chuyên gia kiến nghị cơ chế nhằm thúc đẩy liên kết, kết hợp với những bên hữu quan, liên quan không chỉ trong tạo chuỗi mà còn để mở rộng, tăng hiệu suất cho dòng vốn đầu tư nhờ khai thác nông nghiệp xanh ở các sản phẩm chéo như: khai thác dịch vụ từ mô hình sinh thái, nhân rộng sản phẩm OCOP trong phục vụ du lịch, làm thương hiệu nông sản xanh trong mọi khâu canh tác, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu…

Trong đó, đề xuất một số giải pháp cụ thể. Để có nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh, ngành nông nghiệp cần chú trọng huy động các nguồn lực xã hội, nhất là từ doanh nghiệp cho thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh. Tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ nhằm đưa nông nghiệp Việt Nam thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi nông sản toàn cầu. Cần đổi mới tư duy, nhận thức, chủ động thúc đẩy kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh…

Có cơ chế hỗ trợ hiệu quả sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào đổi mới công nghệ để làm nông nghiệp xanh.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tạo đột phá mới bằng hệ thống giải pháp đồng bộ, phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng đa giá trị, đa ngành, lồng ghép các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường… Tận dụng tối đa ưu thế tự nhiên của các vùng miền cho phát triển nông nghiệp, bảo đảm sự tương tác với môi trường sinh thái; Cần có chính sách tín dụng vốn đầu tư phù hợp với các hộ gia đình để họ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Các thủ tục phải đơn giản, thuận tiện, cơ chế cho vay và thu nợ theo thời vụ của cây trồng, vật nuôi giúp nông dân yên tâm sản xuất…

Về khoa học, công nghệ, cần tập trung nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho dân thông qua mạng lưới khuyến nông, cập nhật nhanh các mô hình mẫu hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất. Song song, các địa phương cần tạo dựng những vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, được chuẩn hóa với những quy trình canh tác chặt chẽ; đồng thời chuyển đổi số để kết nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Cần có chính sách về bảo hiểm cho nông nghiệp để giảm rủi ro đầu tư; thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực vừa ứng dụng công nghệ thông minh tiên tiến đưa vào phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, xanh hóa, tăng chất lượng, sản lượng và hàm lượng, giảm khí phát thải,…

Theo ông Nguyễn Văn Ngà, muốn tháo gỡ các điểm nghẽn, trước tiên các đơn vị, doanh nghiệp cần quan tâm đến các sản phẩm nông nghiệp sử dụng ít tài nguyên mà vẫn đạt năng suất cao, phẩm chất nông sản tốt. Cụ thể, cần đầu tư vào công tác giống, quy trình công nghệ canh tác và công nghệ sơ chế, chế biến sau thu hoạch. Ở khía cạnh này, để kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đáp ứng và triển khai được vào thực tiễn thì hoạt động nghiên cứu phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của nhà nông và đi cùng nhà nông.

Để phát triển nông nghiệp xanh và bền vững thì phải đầu tư ứng dụng công nghệ canh tác, nuôi trồng theo quy trình nông nghiệp tuần hoàn, giảm lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí. Muốn đầu tư ứng dụng công nghệ thì phải có vốn cho nông nghiệp xanh, đại diện Mebi Farm cho biết.

Cùng quan điểm, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh cho rằng, muốn đầu tư phát triển nông nghiệp trước tiên cần quan tâm đến nguồn vốn đầu tư. Ngành Nông nghiệp cần chú trọng huy động các nguồn lực xã hội, nhất là từ doanh nghiệp. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ.

Các địa phương cũng cần tạo dựng những vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, được chuẩn hóa với những quy trình canh tác chặt chẽ, đồng thời chuyển đổi số để khớp nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, các chuyên gia kiến nghị cơ chế nhằm thúc đẩy liên kết, tăng hiệu suất cho dòng vốn đầu tư nhờ khai thác nông nghiệp xanh ở các sản phẩm chéo như khai thác dịch vụ từ mô hình sinh thái, làm thương hiệu nông sản xanh trong mọi khâu canh tác, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu…

Tổng hợp từ nguồn: Tapchitaichinh; Chinhphu.vn; Diendandoanhnghiep.vn; Khuyennongtphcm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0365222576