Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã và đang thổi một luồng gió mới vào làng quê Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đề nghị xây dựng các không gian sinh hoạt cộng đồng, chú trọng môi trường, công tác dạy nghề, văn hóa, chuyển đổi số,… lấy cộng đồng làm gốc trong XDNTM.
Vượt kế hoạch 3 năm
Báo cáo sơ kết tình hình triển khai thực hiện Chương trình XDNTM giai đoạn 2021-2023, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2021-2025 đề ra nhiệm vụ rất cụ thể, đưa các nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, góp phần cải thiện diện mạo nông thôn và cơ cấu lại nông nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.
Trong giai đoạn này, tư duy kinh tế nông nghiệp, phát huy đa giá trị nông nghiệp, nông thôn được chú trọng phát triển. Đây chính là bước chuyển mình quan trọng trong chỉ đạo để giúp gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Xã Xuân Thọ (Đà Lạt – Lâm Đồng) đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu chuyển đổi số.
Trong ảnh: Thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa lên sản phẩm của Hợp tác xã Vườn Nhà Xuân Thọ. Ảnh: Chu Quốc Hùng.
Ông Ngô Trường Sơn cho biết, trong 3 năm đầu triển khai, đã đạt được một số kết quả tích cực: Hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình đã được ban hành đầy đủ, kế hoạch vốn đầu tư được giao cho các địa phương. Nhờ việc triển khai bài bản, toàn diện mà Chương trình đã vượt kế hoạch 3 năm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát.
Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương cao nhất trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Ngoài ra, công tác phối hợp triển khai giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với các bộ, ngành Trung ương và địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần hoàn thành 100% nhiệm vụ được đề ra bởi Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền
Về tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình XDNTM, ông Ngô Trường Sơn cho hay, từ năm 2021 đến nay, đạt khoảng 1.752.000 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đóng vai trò “vốn mồi”, hỗ trực trực tiếp thực hiện Chương trình chiếm khoảng 1,2%; ngân sách địa phương các cấp khoảng 9,9%; vốn lồng ghép từ các chương trình MTQG, các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn khoảng 8,1%; vốn doanh nghiệp, HTX, tổ chức kinh tế khoảng 4,0%; người dân và cộng đồng đóng góp tự nguyện khoảng 2,8% và lớn nhất là nguồn vốn tín dụng khoảng 74,1%.
Mặc dù số xã đạt chuẩn NTM tăng nhưng kết quả đạt chuẩn xã NTM của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn. Điển hình như Đồng bằng sông Hồng có 100% số xã đạt NTM, Đông Nam Bộ 91,4%, trong khi miền núi phía Bắc mới đạt 47,7%, Tây Nguyên 58,6%. Vẫn còn 4 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM dưới 30%.
Đặc biệt, đến nay vẫn còn 16 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh “trắng xã NTM” , trong đó, Mường Lát (Thanh Hóa), Mù Căng Chải (Yên Bái) bình quân mới đạt 6,9 tiêu chí/xã.
Số lượng xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực II, III) vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM còn hạn chế. Đến nay chưa có huyện thuộc danh sách các huyện nghèo được công nhận đạt chuẩn NTM.
Cần xây dựng hệ sinh thái sản phẩm OCOP
Hiện nay, trên cả nước đã đánh giá, phân hạng được 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao; 32,2% sản phẩm 4 sao; 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao (Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận). Đã có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là HTX, 24,4% là doanh nghiệp, 34,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài; đồng thời, được một số bộ, ngành sử dụng làm quà tặng đại biểu trong các hội nghị của ngành.
Nhân viên Hợp tác xã Vườn Nhà Đà Lạt trong buổi Livestream bán hàng trực tiếp ngay tại vườn ớt ngọt. Ảnh Chu Quốc Hùng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc nhở, XDNTM không chỉ là nâng cấp cơ sở vật chất khang trang mà còn là bảo tồn giá trị văn hóa, di sản. Các tỉnh cần coi giá trị nông thôn như di sản, tài sản quý giá, từ đó xây dựng chiến lược phát triển du lịch làng nghề, du lịch nông thôn, bảo vệ và phát huy văn hóa. Điển hình là 10.000 sản phẩm đặc sản đạt 3 sao OCOP trở lên, không nên chỉ dừng lại ở chấm thi và xếp hạng, mà phải thật sự đưa giá trị đến cộng đồng. Bộ trưởng cho biết, phía người tiêu thụ chưa có tư duy tôn trọng và trải nghiệm hương vị địa phương.
Vì vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, phát triển thương hiệu không thể làm một sớm một chiều. Cần xây dựng hệ sinh thái sản phẩm OCOP, mời các chuyên gia và tổ chức trưng bày sản phẩm, dùng triết lý sản phẩm để kể câu chuyện cho văn hóa vùng miền, truyền thống làng xã Việt Nam.
Ông Hoan cũng chỉ ra một số vấn đề bất cập của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cần phải khắc phục. Chẳng hạn sản phẩm được công nhận thì nhiều nhưng chưa có đầu ra, thị trường tiêu thụ không ổn định.
“Đồng Tháp có hàng trăm sản phẩm OCOP nhưng khi tôi ra siêu thị không có sản phẩm OCOP nào, vậy đầu ra các sản phẩm OCOP đi đâu?”, ông Hoan đặt vấn đề và yêu cầu thời gian tới, công nhận sản phẩm OCOP phải bổ sung tiêu chí đánh giá đến vấn đề tổ chức thị trường, khả năng thương mại hóa sản phẩm.
Hướng đến xây dựng nông thôn thông minh
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, XDNTM trong những năm tới đây phải đi vào những nội dung thực chất, hiệu quả để người dân thực sự được thụ hưởng, không phải chỉ là những con số làm đẹp báo cáo thành tích.
Đối với tiêu chí môi trường, Chương trình chỉ đề cập ở góc độ xử lý môi trường (xử lý rác thải) mà chưa thực sự quan tâm đến vấn đề tạo sinh cảnh nhiều hơn như trồng cây xanh để làm sạch, làm đẹp môi trường nông thôn. Theo đó, ông Hoan đề nghị các địa phương cần đưa nội dung này thành các tiêu chí phụ để khuyến khích thực hiện.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiểm tra thực hiện xây dựng nông thôn mới tại Hoà Bình và thăm vùng sản xuất bưởi tại xã Đại Đồng (Yên Thủy). Ảnh: Trọng Đạt.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Chương trình XDNTM không chỉ là đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm mà hướng đến chuyển đổi phương thức sản xuất giúp người dân có thu nhập cao hơn; bảo vệ môi trường, phát triển du lịch nông thôn; chuyển đổi số hướng đến xây dựng nông thôn thông minh…
Ông Hoan mong muốn các địa phương chủ động học tập kinh nghiệm ở nhiều nước, sáng tạo các nội dung XDNTM phù hợp với điều kiện của địa phương, như nhiều quốc gia (Hàn Quốc, Thái Lan…) cũng đang áp dụng trong chương trình “quy nông”, “quy hương”.
“Không phải tất cả đều về nông thôn sinh sống nhưng họ coi nông thôn là vốn quý, di sản, tài sản và làm rất nhiều chương trình du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp, nông thôn để nông thôn thực sự là nơi đáng sống, đáng để quay về”, ông Hoan nói.
Đến nay, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM (tăng 11,3% so với cuối năm 2020), trong đó có khoảng 1.500 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và kiểu mẫu. 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM (tăng 7 địa phương so với cuối năm 2020). |
Theo đó, Chương trình XDNTM đặt ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; phấn đấu có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM. Phấn đấu cả nước có khoảng từ 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.
Phấn đấu đến năm 2025, sẽ có 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do UBND cấp tỉnh quy định.
Giai đoạn 2026 – 2030, cả nước có 90% số thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM cấp thôn do UBND cấp tỉnh quy định.